THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 January 2012

Quan đánh cờ bạc tỷ: Sự tha hóa của quyền lực


03/01/2012 07:18:59
 - Ngày 24/12, Công an tỉnh Sóc Trăng đã tạm giữ hình sự đối với ông Nguyễn Thanh Lèo, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân, giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe loại 3, thuộc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng vì liên quan đến việc đánh mỗi ván cờ 5 tỷ đồng. KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Ngọc Vương về vấn đề này. 
 
TIN LIÊN QUAN

Đích thực nó là "hàng nội"

Khi biết về vụ việc "các quan" đánh cờ tiền tỷ ở Sóc Trăng, ông thấy thế nào?

Cách đây mấy tháng, tôi có  nghe chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm thán về  "bầy sâu". Khi đó, tôi đã muốn được  đứng cạnh ông để thưa rằng: Đó không phải bầy sâu do ai đó "nhỡ tay" nhập khẩu về kiểu  ốc bươu vàng hay chuột hải ly. Đích thực nó là "hàng nội", "sâu gốc bền rễ" rồi. Thế đấy!

Theo ông, vì đâu nên nỗi?

Ngay từ những ngày "trứng nước", cụ Hồ đã quan tâm đến chuyện rèn luyện cả năng lực lẫn tư cách của người cán bộ. Cụ viết nhiều, nói nhiều, chỉ đạo nhiều, có những huấn thị đã trở thành cuốn sách kinh điển. Cụ cũng tự mình làm gương, một tấm gương "chí công vô tư".

Tuy nhiên, về sau này các trường lớp đào tạo của ta cho "ra lò" những người "tráng qua" những khóa đào tạo để lĩnh hội và thực hành cái thuộc về chủ trương, chính sách lớn. Các hệ thống trường đào tạo cán bộ chỉ "dạy" những phương diện ấy là chính. Nhưng những trường lớp này chưa quan tâm nhiều đến việc đào tạo người ta phải làm cán bộ thế nào cho nghiêm túc và xứng đáng.

Theo ông, để khắc phục mình có cần đào tạo lại một số cán bộ?

Trước khi trả lời câu  đó, cần phải hỏi những người đang giữ cương vị  lãnh đạo: "Ai thấy mình ổn rồi, xin giơ tay". 

Càng lên cao càng nhiều bổn phận

Việc đào tạo lại, khắc phục hậu quả ấy theo ông có khó khăn không?

Khó khăn chứ! Bởi vì  đảm nhiệm công việc này chỉ là bộ phận chuyên trách xây dựng Đảng. Hơn nữa, nó còn khó ở chỗ đào tạo ai, biết ai thiếu năng lực mà đào tạo. Thực tế hiện nay cho thấy, chỉ những anh cấp dưới, hoặc những người bình thường mới bị kỷ luật "sòng phẳng", còn ở cấp cao hơn thì càng lên cao thì càng khó soi xét, kỷ luật.

Qua vụ việc này, theo ông, người như thế nào mới đủ tiêu chuẩn  để làm một cán bộ lãnh đạo, có nên bổ  sung thêm hình thức cấm các quan chức đánh cờ  ăn tiền không?

Mỗi thời đại, mỗi cộng đồng đều từ tự phát đến tự giác hình dung về những chuẩn mực cần có ở những người quản lý. Xã hội càng phát triển thì những cái chuẩn ấy lại càng cao, càng toàn diện. Người nào càng "lên cao" thì càng nhiều bổn phận, trách nhiệm và phẩm chất. Khó mà nói chung chung, hơn nữa, trong các xã hội có bản chất đối lập nhau, thì "chuẩn mực người trên"  cũng khác nhau, thậm chí có những phương diện đối lập nhau.

Ông có thể nói về những chuẩn mực đối với người lãnh đạo ở ta?

Trước khi có được chính quyền, thì "cán bộ" đồng nghĩa với  "người cộng sản". Phẩm chất đầu tiên của người cộng sản Việt Nam là tự nguyện tham gia hoạt động cách mạng, chấp nhận thiệt thòi, mất mát, thậm chí đổ máu, hy sinh trước hết là vì mục tiêu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, sau là cho lý tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp, lấy hạnh phúc toàn dân làm đích đến cuối cùng... 

Tôi không làm thầy bói

Thực tế đã ghi nhận, mỗi lần khắc phục được thì xã hội lại phát triển được, đổi mới được. Quan trọng là  ở mỗi khoảnh khắc ấy cần những người dũng cảm. Mà có người dũng cảm ở khoảnh khắc đó là vận hạnh cho đất nước, cho tổ chức đó. Ai chả biết phủ định là đau đớn, mất mát. Nhưng hầu như không có con đường khác. Cho nên các nhà lãnh đạo sáng suốt nhất đều nói phê và tự phê là vũ khí tiến bộ. Đổi mới trong một nghĩa nào đó là một công cuộc tự điều chỉnh, tự phê bình. Người ta với tư cách là số phận cá nhân thì ông nào bà nào cũng muốn an toàn, trót lọt. Vì thế nên tôi mới nói là đòi hỏi sự dũng cảm.
Sau sự việc, có người sẽ nghĩ đến sự tha hóa của quyền lực, đến sự bất khả kháng đối với sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ? 

Cũng không hẳn là bất khả. Vẫn có không ít người ở vị trí cao xét về mặt tư đức là xứng đáng. Hơn nữa, xã hội dù có xấu xa đến đâu thì đến một thời điểm nào đó nhất định nó sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh. Nếu những người càng có trách nhiệm ở trên càng có ý thức về chuyện tu dưỡng, tự tỉnh thì hoàn toàn có thể thay đổi khi nó chưa quá muộn.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất là sự tự tha hóa của quyền lực. Quyền lực còn dễ nghiện hơn ma túy, và tác hại của nó cũng nặng hơn ma túy. Chính vì vậy, sẽ vô cùng khó khăn để cho bộ máy quyền lực tự phản tỉnh.

Nếu quyền lực còn dễ nghiện hơn cả ma túy, tác hại của nó hơn cả ma túy thì liệu có cai được không?

Tôi không dám kết luận về diễn trình hiện nay nhưng tôi có quyền bày tỏ  một sự hy vọng. Tôi thấy hình như ai cũng lo cho bản thân mình. Chưa nhiều lắm những người bỏ mặc danh phận cá nhân mà lo cho việc chung. Đó là  một sự thiếu hụt. Nói cách khác là ta vẫn thiếu đức hy sinh mà không có cuộc cách mạng nào mà không phải hy sinh.

Nói như ông thì liệu đến bao giờ xã hội mình mới hết những quan đánh cờ bạc tỷ?

Tôi không làm thầy bói. Vả lại tôi cố gắng giữ cho mình những suy nghĩ  và cảm nhận cá nhân. Không ở cương vị ấy thì không bàn chuyện ấy.

Xin cảm ơn ông.

 

Ngày 24/12, ông Nguyễn Thanh Lèo, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân, giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe loại 3, thuộc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng đã bị Công an tỉnh Sóc Trăng tạm giữ hình sự về tội đánh mỗi ván cờ 5 tỷ đồng.

Theo thông tin của CQĐT, ông Lèo và ông Tân đã nhiều lần đánh cờ ăn tiền với số tiền mỗi ván từ 1 - 5 tỷ đồng. Sau nhiều lần đánh cờ bị thua ông Lèo đã nợ ông Tân tới 22 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ. Ông Tân đã đưa người đến nhà ông Lèo xiết nợ và dọa giết cả nhà ông Lèo. Quá hoang mang về việc này nên ông Lèo đã có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng can thiệp.



Quách Dương (Thực hiện)