THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 October 2011

Thư kiến nghị của anh Huỳnh Công Thuận về việc bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày)


TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 10 năm 2011

THƯ KIẾN NGHỊ
V/v: bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải.

Kính gửi: Ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Kính thưa ông,

Tôi tên Huỳnh Công Thuận, CMND số: 330668464 cấp ngày 16/3/2006 tại công an Vĩnh Long. Địa chỉ hiện nay: HT 67 BĐ Vườn xoài, quận 3 - TP.HCM, Điện thoại số: 0983323336, email : huynhcongthuan@gmail.com cùng những công dân Việt Nam ký tên dưới đây, gửi thư này đến ông Chủ tịch nước vì muốn ông quan tâm và can thiệp trong cương vị Chủ tịch nước đối với tình trạng giam giữ trái phép một công dân Việt Nam yêu nước.

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, một cựu chiến binh Sư doàn 3 Sao vàng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bị công an TP.HCM tiếp tục giam giữ trái pháp luật đã tròn một năm, sau khi ông đã mãn hạn 30 tháng tù giam về tội danh "trốn thuế" vào ngày 19/10/2010.

- Cho dù bản chất của việc kết án xuất phát từ những bất đồng quan điểm của ngành Công an đối với những nỗ lực kiên cường của ông Nguyễn Văn Hải khi ông đồng hành cùng nguyện vọng của dân tộc để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam,

- Cho dù việc bản án 30 tháng tù giam mà ông Nguyễn Văn Hải thọ lãnh là vắng bóng công lý,

- Nhưng ông Hải đã thi hành đúng thời hạn mà bản án đã dành cho ông.

Do đó, việc tiếp tục giam giữ công dân Nguyễn Văn Hải hơn một năm qua mà không có sự phán xét của tòa án, không một thông tin gì về ông đến thân nhân, và cũng không một tuyên bố chính thức gì về những quy trình pháp luật sẽ áp dụng cho công dân Nguyễn Văn Hải là một hành động vi hiến, phạm pháp, vô nhân đạo và không tôn trọng quyền công dân.

Thưa ông,

Theo đúng nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước là người giữ vai trò điều hành đất nước cao nhất. Phải có con người mới có quốc gia, và tự do là vốn quý nhất của một con người. Do đó, trường hợp của công dân Nguyễn Văn Hải có thể được xem là một vấn đề rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến những chính sách nội an cũng như đối ngoại của văn phòng Chủ tịch nước vì đã tạo ra một vết nhơ tồi tệ của cả hệ thống pháp lý Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng tinh thần "thượng tôn pháp luật" mà Việt Nam ta đang cố gắng theo đuổi.

Ông đã từng khẳng định rằng: "Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…"

Vậy, nếu "cơ sở quan trọng là luật pháp" không được tôn trọng cho một công dân Việt Nam thì chính quyền Việt Nam do ông ở địa vị cao nhất lãnh đạo, làm sao có thể dùng nền tảng luật pháp để giải quyết chuyện to lớn hơn là giữ vững độc lập chủ quyền?

Quan trọng hơn là nếu không tẩy sạch được những vết nhơ của nền luật pháp quốc gia thì làm sao ông có thể gầy dựng lại niềm tin của nhân dân vào một nền pháp lý công minh để có thể đồng lòng và đồng hành cùng người Chủ tịch nước giải quyết "độc lập chủ quyền", loại trừ "bầy sâu tham nhũng" như trong các tuyên bố của ông?

Với những lý do trên và với sự tin tưởng rằng vai trò Chủ tịch nước phải độc lập với những quyền lực chính trị khác, nghĩa vụ và trách nhiệm của ông đối với hơn 90 triệu công dân đứng trên mọi trách nhiệm khác của ông, chúng tôi tin rằng ông sẽ có những quan tâm và biện pháp thích đáng để chấn chỉnh lại những sai trái, tái tạo niềm tin từ nhân dân mà chính nhiều viên chức các cấp của ông phải công nhận là đã và đang khủng hoảng trầm trọng.

Chúng tôi, những công dân Việt Nam hy vọng rằng ông Chủ tịch nước với tuyên bố khẳng định chủ quyền của đất nước, với hành động cụ thể là cam kết hợp tác khai thác dầu khí với Ấn Độ trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, sẽ bắt đầu bằng một quyết định nhỏ và dễ nhất trong thẩm quyền của Chủ tịch nước: trả tự do ngay lập tức cho công dân, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Nguyễn Văn Hải.

Những tuyên bố và hành động của ông sẽ có ảnh hưởng lớn lao đến tương lai và vận mệnh của đất nước và vì thế đòi hỏi thời gian, ý chí và quan trọng hơn hết là thái độ nhất quán, trước sau như một, cũng như tinh thần thật lòng đặt Tổ Quốc lên trên hết.

Trân trọng gửi đến ông lời chúc sức khoẻ và quyết tâm cùng với nhân dân diệt trừ "bầy sâu tham nhũng", bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam và đặt Tổ quốc lên trên hết.

Trân trọng,

Huỳnh Công Thuận




Ra biển, nhớ Điếu Cày


Trịnh Sơn - Mùa nóng đang xâm chiếm miền Nam. Những cơn mưa cuối cùng không thể xoa dịu bức xạ và ô nhiễm xộc vào da thịt người ta. Tôi ra biển. Sáng chủ nhật, mấy trăm người lăn xả vào nước. Sóng yên bình, thỉnh thoảng quất lại một đợt cao vút trắng muốt. Mấy em chân dài nhí nhảnh lý lắc ngực mông tranh sắc với biển. Mấy chàng thanh niên khoe cơ bắp hồ hởi làm bổn phận đàn ông. Tự nhiên, tôi nhớ Điếu Cày. Người đàn ông từng một thời đầu quân cho cái gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam, "thuộc về nhân dân là những gì người ta đã bỏ đi", câu nói này tôi nghe anh nói ở góc đường Nguyễn Văn Cừ - quán Nguyệt Cầm. 

Làm lính không đặng dung thân, anh tự mình sống với ý chí đóng góp tài lực cho công cuộc đổi mới xã hội. Đổi mới thật sự chứ không phải giọng điệu hô hào đổi mới như của mấy cha đảng viên tha hóa, ngủ gật trong giờ hành chính và ký hợp đồng nhận phong bì nửa đêm về sáng ở nhà hàng sang trọng. Những ngày ấy, tôi có vài điểm chưa thỏa mãn với cách làm của anh – nhưng tuyệt đối tôn sùng cách nghĩ của anh: Dấn thân ! Con đường có thể mịt mù nhưng từng bước chân chúng ta đi phải ngay thẳng, đàng hoàng! 

Rồi, đùng một cái, anh bị bắt. Đùng một cái đảng cộng sản lộ ra mồn một cái bản chất nhu nhược trước Tàu khựa bá quyền. Họ truy lùng, theo dõi, bắt bớ những đứa con máu đỏ da vàng dám cất lên tiếng nói yêu nước. Không có gì là bất ngờ, với anh Điếu Cày và những cây bút viết bằng máu. Chúng ta sẵn sàng ở tù, sẵn sàng chết, sẵn sàng mất tích – không phải để làm liệt sĩ, không mong tổ quốc ghi công, không muốn lãnh một đồng xu ơn nghĩa nào – mà, để khẳng định rằng SỰ SỐNG LÀ CỦA CHÚNG TA, ĐẤT NƯỚC LÀ CỦA NHÂN DÂN, KHÔNG PHẢI CỦA ĐẢNG HAY CỦA AI BAN PHÁT CHO. Hành trình tìm kiếm tự do là hành trình của lửa, tuyệt nhiên không phải chỉ là dám nhúng vào lửa. Con thiêu thân chết vì ám ảnh nòi giống trước lửa nên cứ cố lao vào lao vào và cái chết trở thành sự bắt đầu trong ánh nhìn của lớp lớp con cháu theo sau. Chúng ta có thể là một bầy thiêu thân, nhưng tuyệt đối không phải vì nỗi sợ hãi trước sức thiêu đốt của lửa độc tài, áp bức. Niềm tin vào công lý hỗ trợ tinh thần chúng ta, làm cái phao cho chúng ta neo đậu lại giữa vũng lửa đang nung nấu dân tộc mình…

Tác giả, nhà thơ Trịnh Sơn hiện đang sống tại Vũng Tàu

Ấy, những lời anh Điếu Cày nói. Những ngày đó, anh Ba Sàigòn đã xác tín chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang khủng hoảng, là chủ nghĩa tự do chứ không phải bất cứ thứ lý thuyết lộn tùng phèo nào. Hôm nay, tao bị bắt thì coi như vào cái lồng hẹp hơn. Không hề hấn gì so với cái lồng chữ S đang giam hãm mấy mươi triệu dân đen! Cái lồng luôn là cái lồng. Đừng quên, họ có thể cắt cánh một con chim nhưng không bao giờ có thể xóa bỏ ước vọng tung bay của nó! Tôi còn nhỏ, mới hăm mấy tuổi đời nhưng cũng kịp nhúng tay vào vài cái rọ của chính quyền, như đứa em côi cút dưới mái nhà các bậc tiền bối dựng lên bằng ánh sáng tranh đấu. Còn nhớ, có hôm tôi đã khóc ở một góc Quách Thị Trang: Rồi mai, có khi anh em mình đều bị dán nhãn "tội phạm, lang thang vô gia cư, xì ke ma túy, mại dâm…" bị lùa lên xe bít bùng rồi đưa đi miết! Câu ta thán bi quan ấy vậy mà thành thiệt. Lần lượt từng đôi tay chân chính con người bị tra vào gông cùm. Ánh mắt nhân dân nhìn chúng tôi một cách thảm hại, tiếc rẻ. Ôi, nhân dân bao dung và ngây thơ của tôi! Người cứ dành nước mắt để khóc cho một ngày tự do thực sự - khi những cặn bã rác rưởi chế độ này đã tiêu tan cùng lử của nó!

Cái neo vững chắc giữ chúng ta ở lại với phong trào đấu tranh, trước mắt là đòi chủ quyền biển đảo, sau là đòi quyền tự do – dân chủ. Sống mà nước không dung, tâm không dám bộc bạch, miệng không dám nói thì sống làm gì?

Ngồi đây mà triết lý

Thế chấp nhận hòa bình?

Ngồi đây mà ngủ kỹ

Trước thực tế chiến chinh?


Ta nói cho ta biết

Sự gục mặt đê hèn

Đang sống nhưng đang chết

Đang ngụp giữ bùn đen


Phương trời này khói lửa

"nỗi chết ấy không rời"

Quay lưng không thể được

Xin lên tiếng với tôi


Đây là bài thơ viết bằng máu XIN LÊN TIẾNG VỚI TÔI của Trần Đình Lương, in trên Đặc san Tổng hội sinh viên Sài Gòn 1964. Chúng tôi đã đọc cho nhau nghe đến thuộc lòng, và lấy đó làm món quà mừng Mẹ Nấm ngày ra tù.

Nay, Mẹ Nấm đang thay phiên gác, viết thư đòi Chủ tịch nước trả tự do ngay lập tức cho Điếu Cày. Ước gì, ông Trương Tấn Sang biết đọc và biết nhìn nhận thực tế tình hình để giải quyết cho êm đẹp. Thiết nghĩ, muốn họ thay đổi thái độ sống, chúng ta phải giữ vững kiên tâm đấu tranh, tinh thần vững vàng và làm gương cho những người còn bị nỗi sợ hãi khống chế.

Thương cho những con sóng đang cồn cào quấn quýt bờ bãi. Thương cho niềm sung sướng tạm bợ của bao nhiêu thân thể đang ngụp lặn vào sóng tìm sự mát mẻ nhất thời. Thương cho tôi, đứng trên bờ biển mình mà lấm lét thương nhớ xa xôi.

Điếu Cày – Ngọn đuốc sống! Anh không bao giờ chết trong lòng Việt Nam!

Phan Thiết, 23/10/2011

Trịnh Sơn