THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 December 2011

Tranh cãi về đề xuất đổi tên hầm Thủ Thiêm


Không đồng tình với đề xuất đặt tên đường hầm sông Sài Gòn thay tên hầm Thủ Thiêm, bức xúc về tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... là những vấn đề được đề cập tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ ba.
Hơn 800 người chết vì tai nạn giao thông ở TP HCM

Chiều 6/12, sau khi nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của năm 2011, các đại biểu đã phân làm 4 tổ thảo luận nhóm. Một vấn đề "nóng" được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là tờ trình của UBND thành phố về việc đặt tên đường hầm sông Sài Gòn thay cho tên gọi hiện tại là hầm Thủ Thiêm.

Đại biểu Ngô Minh Châu (Phó giám đốc Công an TP HCM) phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Tá Lâm.
Đại biểu Ngô Minh Châu (Phó giám đốc Công an TP HCM) phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Tá Lâm.

Theo tờ trình của UBND thành phố, đại lộ Đông Tây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó đoạn từ nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đến điểm giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) dài hơn 13 km đã được đặt tên là Võ Văn Kiệt. Đoạn từ bờ sông Sài Gòn đến nút giao Cát Lái (quận 2) dài 7,4 km, UBND thành phố sẽ đề xuất đặt tên đường mang tên người lãnh đạo có nhiều đóng góp cho đất nước.

Riêng đường hầm vượt sông Sài Gòn, đoạn từ nút giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Trạm thu phí quận 2 dài gần 1.5 km từ trước đến nay người dân vẫn thường gọi là hầm Thủ Thiêm mà chưa có một tên đường cụ thể. Vì thế, thành phố đã thống nhất đặt tên công trình này là đường hầm sông Sài Gòn. Đề xuất này của UBND thành phố cũng đã được Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thẩm tra và đồng ý.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản đối của rất nhiều đại biểu. Đại biểu Ngô Minh Châu - Phó giám đốc Công an thành phố cho rằng, việc đặt tên đường Thủ Thiêm cần nghiên cứu kỹ, cần có cái tên đúng, khoa học và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố. Trước khi có đề xuất này, người dân vẫn gọi là hầm Thủ Thiêm, tên gọi này đã đi vào trong lòng người dân.

"Chúng ta cũng vừa khai tử bến phà Thủ Thiêm. Lấy tên hầm Thủ Thiêm thay cho bến phà tôi thấy rất phù hợp. Cũng không có gì trở ngại khi chúng ta vừa có hầm Thủ Thiêm, vừa có cầu Thủ Thiêm", đại tá Châu đề xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Trọng Dũng (quận 8) cho rằng, việc đặt tên đường sông Sài Gòn về mặt ngữ pháp cũng không chuẩn. "Chỉ nên gọi là đường dưới sông hoặc đường trên sông Sài Gòn chứ không thể gọi là đường hầm vượt sông Sài Gòn. Cái tên Thủ Thiêm cũng rất dễ thương và gắn bó với người dân, tôi thiết nghĩ nên cân nhắc trước khi quyết định", ông Dũng nói.

Cho rằng, công trình hầm Thủ Thiêm có công lao rất lớn từ đối tác Nhật Bản, đại biểu Nguyễn Đình Hưng không đồng tình với cách đặt tên đường của UBND thành phố. "Theo tôi, nên chọn một cái tên khác vừa xứng tầm là một công trình hiện đại mang tầm vóc khu vực, vừa thể hiện được tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Việc này còn có ý nghĩa mở rộng quan hệ quốc tế", ông Hưng nói.

Cũng liên quan đến đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm, nhiều đại biểu bức xúc, sau hơn nữa tháng thông hầm, nhiều người dân đã đổ về đây gây mất vệ sinh trên con đường này. Rác thải được vứt bừa bãi trên đường. "Khi tôi hỏi về trách nhiệm quản lý con đường hiện đại nhất Đông Nam Á này thì được UBND thành phố cho biết, hiện có 3-4 đơn vị quản lý, nhưng riêng phần vệ sinh thì không thấy ai chịu trách nhiệm và đẩy cho quận 2", đại biểu Nguyễn Văn Sơn đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn quan tâm đến những vấn đề "nóng bỏng" hiện nay như tai nạn giao thông, đua xe, ùn tắc, ô nhiễm môi trường...

Đại tá Ngô Minh Châu không hài lòng trước việc UBND thành phố đưa ra chỉ tiêu năm 2012 số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm xuống 10% so với năm nay. Ông cho biết, trong năm, thành phố đã nỗ lực rất lớn nhưng cũng chỉ mới kiềm chế kéo giảm được số vụ, còn số người chết và số người bị thương vẫn còn tăng. Số vụ tai nạn giao thông giảm cũng không đáng kể.

"Cơ sở nào đảm bảo được việc thực hiện chỉ tiêu này? Tôi rất là băn khoăn. Tôi đề nghị nên đề ra một chỉ tiêu tương đối từ hơn 7 đến 10%", đại tá Châu nói.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM tại kỳ họp cuối cùng trong năm. Ảnh: Tá Lâm.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM tại kỳ họp cuối cùng trong năm. Ảnh: Tá Lâm.

Vị Phó giám đốc Công an thành phố còn quan ngại về chỉ tiêu ùn tắc giao thông. Trong báo cáo, UBND thành phố đặt ra số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút trong năm 2012 giảm khoảng 10%. Đại tá Châu cho rằng, muốn giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thì hàng năm diện tích đất giành cho giao thông phải được tăng theo. "Tôi đề nghị, trong báo cáo này bổ sung thêm chỉ tiêu tăng 10% diện tích giao thông trong năm tới", ông nói.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân, nhưng UBND thành phố chỉ đặt chỉ tiêu trong năm 2012, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý là 95%."Tại sao không phải là 100% mà lại là 95%. Phải chăng sợ không thực hiện được? Theo tôi, đã là doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thì phải xử lý 100%", đại biểu Nguyễn Thành Nhân (quận Bình Tân) đặt câu hỏi.

Ngày mai, kỳ họp HĐND cuối cùng trong năm sẽ tiếp tục với phần tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, tiếp tục thảo luận và thông qua các Nghị quyết bảng giá đất, Nghị quyết về thu phí và lệ phí trước bạ đối với xe ôtô dưới 10 chỗ ngồi...

Tá Lâm - Hữu Công