THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 December 2011

Ngư dân giăng lưới 'bẫy' tàu nước ngoài


Trong lần đưa hơn 1.000 khách du lịch đến Huế, thuyền trưởng tàu Legend of the Seas, cảnh báo: "Nếu tình trạng đặt ngư lưới cụ trong luồng tàu vẫn còn, tàu có thể đổi lịch trình, không đến cảng Chân Mây do không đảm bảo an toàn".

Ngư dân thả lưới bắt tôm hùm bông ngay trên luồng tàu chạy. Ảnh: Nguyễn Đông.

Sáng sớm, trước cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) có tới hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ của ngư dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc giăng lưới đánh bắt tôm hùm bông, một loại tôm giống quý có lợi nhuận kinh tế cao. Lưới, phao được thả dày kín đến sát các tàu lớn đang neo đậu.

Để thuận lợi cho việc khai thác nguồn "lộc trời" này, ngư dân đã dựng lều tạm ngay bên các bến đá gần cảng khiến cảng biển này lúc nào cũng nhộn nhịp. Hết tàu vào cảng lại đến thuyền của ngư dân ra giăng, thu lưới trên luồng tàu chạy.

Theo ngư dân, 3 tháng cuối năm là mùa đánh bắt tôm hùm bông, bán tôm giống cho các hồ nuôi. Tranh thủ ban đêm không có tàu vào cảng, ngư dân thả lưới bắt tôm. Ban đầu chỉ vài chục hộ, nhưng do thu nhập cao, có ngày lên đến 5-7 triệu đồng nên ngư dân kéo về ngày một nhiều, tập kết các dụng cụ, phương tiện để chuẩn bị cho việc đánh bắt thủy sản tại khu vực luồng tàu, khu đậu tàu của cảng Chân Mây.

Loay hoay với mớ tôm vừa bắt được, ngư dân Lê Đen cho biết: "Do thu nhập cao nên chúng tôi không muốn bỏ nghề, dù biết có lệnh cấm của chính quyền". Cũng theo anh Đen, nếu bỏ nghề đánh bắt tôm hùm ở đây cũng chưa biết làm gì có thu nhập tương xứng nên hầu hết ngư dân đang đánh bắt tôm hùm ở cảng Chân Mây này kiên quyết bám trụ.

Lưới được tập kết trước cảng Chân Mây. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Trần Văn Phong, Phó giám đốc cảng Chân Mây, cho biết tình trạng ngư dân thả lưới đánh bắt tôm hùm bông gây khó khăn cho việc tàu nước ngoài (tàu hàng và tàu du lịch) vào cảng đã kéo dài từ năm 2004 đến nay. Hàng năm tại vịnh Chân Mây đều xảy ra một vài trường hợp tàu vướng lưới không vận hành được.

Có lần tàu vướng lưới trôi dạt ra bãi biển Cảnh Dương, cách cảng gần chục km. Gần đây nhất là tàu Legend of the Seas cập cảng Chân Mây vào các ngày 30/10 và 4/11 đã bị vướng vào ngư lưới cụ làm chậm trễ chương trình thăm quan của khách khiến thuyền trưởng và khách rất bực mình.

"Một số đơn vị, tàu ở trong và ngoài nước đã có văn bản phản ánh về tình trạng ngư dân giăng lưới trong luồng tàu chạy gây ảnh hưởng đến giờ ra vào cảng và thiệt hại kinh tế lớn khi tàu bị lưới mắc vào chân vịt. Nhưng quyền quản lý trực tiếp thuộc chính quyền địa phương chứ không phải ban quản lý cảng. Nhiều lần chúng tôi cho bảo vệ thu lưới của ngư dân thì bị họ chống trả quyết liệt", ông Phong nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho biết xã đã nhiều lần họp dân để tuyên truyền, nhưng hiện còn hơn 100 hộ dân làm nghề đánh bắt tôm hùm bông trước khu vực cảng Chân Mây, trong đó khoảng 15 đến 20 hộ đánh bắt thường xuyên và cố tình vi phạm. Xã không được trang bị tàu để quản lý và đi tháo gỡ ngư lưới cụ của các hộ dân nên tình trạng này vẫn kéo dài.

Ngư dân dựng lán trại ngay trên các bờ đá trước càng Chân Mây để thả lưới đánh bắt suốt ngày đêm. Ảnh: Nguyễn Đông.

Trước tình trạng nhiều tàu nước ngoài thông báo tẩy chay cảng Chân Mây vì bến cảng không an toàn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều lần triệu tập ban ngành, địa phương họp khẩn. "Tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, ban ngành phối hợp xử lý kiên quyết, cưỡng chế và dứt khoát không để tái diễn; không vì lợi ích cục bộ của một bộ phận người dân mà mất đi lợi ích to lớn, lâu dài của nhà nước", ông Hòa nói.

Trước mắt, trong khi để người dân tìm một công việc khác phù hợp trước khi chấm dứt việc thả lưới đánh bắt tôm hùm bông trước khu vực cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân công Sở Giao thông Vận tải và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh kiểm tra giám sát, cắm mốc phân định ranh giới để tàu thuyền ra vào an toàn.

Theo lịch trình, từ tháng 11/2011 đến 3/2012, cảng Chân Mây sẽ có hơn 50.000 khách du lịch quốc tế đến Huế bằng tàu biển. Cụ thể, sẽ có 35 chuyến tàu chở khách cập cảng Chân Mây, trong đó có 25 chuyến tàu Super Star, mỗi chuyến sẽ có từ 1.500 đến 1.800 khách và từ 600 đến 700 người phục vụ.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế lo lắng: "Sắp tới Năm du lịch quốc gia được tổ chức tại Huế đúng vào dịp Festival Huế 2012 mà để xảy ra tình trạng này thì sẽ không bảo đảm an toàn tàu du lịch cập bến cảng Chân Mây".

Nguyễn Đông