THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 November 2011

Vì sao "Chiếm phố Wall" không lan đến Việt Nam?


2011-11-14

Vy ở Đà Nẵng, Như Quỳnh ở Nha Trang, Thành ở Sài Gòn và Hoàng ở Pháp đều cho rằng khó có khả năng xảy ra một phong trào biểu tình tương tự như "phong trào chiếm phố Wall" tại Việt Nam.

AFP photo

Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc một cách ôn hòa hôm 14/8/2011

Vì người Việt quá hiền ...

Khánh An: Nói một cách khác là các bạn không nhìn thấy có khả năng là một phong trào tương tự như là phong trào "Chiếm Phố Wall" có thể xảy ra ở Việt Nam à? 

Như Quỳnh: Em nghĩ là không đâu.

Thục Vy: Dạ, em cũng nghĩ là không đâu.

Như Quỳnh: Bây giờ nếu mà có phong trào "Chiếm Phố Wall" tôi sẽ là người khởi xướng ở Việt Nam là "Phong trào chiếm lấy EVN" tức là Điện Lực đó, nó tăng giá hoài chịu không nổi. Cho nên nếu mà có thì ở Việt Nam phải là "Phong trào chiếm lấy Tổng Công Ty Điện Lực Việt Nam" bởi vì bây giờ ảnh đang ở chỗ độc quyền và ảnh đẩy giá thành nó đi lên đi lên như vậy đó, nhưng mà ở đây người ta chưa nhìn thấy sự bất công đó, Khánh An ơi!

Khánh An: Nhưng mà gần đây thì Khánh An có thấy một số biểu hiện, chẳng hạn như việc những nhóm biểu tình ở Hà Nội, bây giờ họ không những chỉ biểu tình vì chuyện Hoàng Sa – Trường Sa nữa nhưng họ biểu tình để phản đối Đài truyền hình Việt Nam chẳng hạn, họ biểu tình để đòi trả lại người chẳng hạn, các bạn nói thế nào về những mục tiêu biểu tình hơi khác một tí so với chuyện Hoàng Sa – Trường Sa này?

Thục Vy: Em thì em nghĩ thế này, chúng ta biểu tình như bạn Hoàng nói đó, chúng ta biểu tình hiền như thế vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thôi, ấy vậy mà vẫn bị người ta đàn áp, trấn áp như thế, thì những việc như là phản đối HTV hay là biểu tình đòi chị Minh Hằng thì đó cũng là những cuộc biểu tình rất là hiền. 

Còn nếu như mà chúng ta có những cuộc biểu tình dữ hơn, ví dụ như là "Chiếm Sài Gòn" hay là "Chiếm Hà Nội" theo cái cách mà phản đối những sự lãnh đạo kinh tế bất tài chẳng hạn, thì em nghĩ chắc không được đâu vì theo em nghĩ đó là biểu tình dữ rồi, tại vì khi chúng ta đánh vào hệ thống kinh tế của họ, đánh vào đường lối quản lý kinh tế của người ta, tức là chúng ta đánh vào hệ thống kinh tế quốc doanh của người ta. 

Mà đánh vào hệ thống kinh tế quốc doanh thì tức là đã đánh vào cái thể chế hiện tại của người ta rồi tại vì thể chế độc tài cộng sản Việt Nam đang thực hiện là độc tài chính trị và độc quyền về kinh tế luôn nên khi chúng ta phản đối hệ thống kinh tế thì tức là chúng ta đã chống lại chế độ này. Cho nên em nghĩ biểu tình đó sẽ là cuộc biểu tình dữ, mà người Việt Nam chúng ta còn quá hiền để mà thực hiện những cuộc biểu tình dữ như thế.

Hoàng: Thật ra ở Việt Nam theo em nghĩ là khó có thể làm được như bên Mỹ hơn là bởi vì sao? Những hệ thống phúc lợi xã hội của Mỹ hay là nói chung ở những nước đa đảng, họ gần như hoạt động độc lập với hệ thống chính trị. Ví dụ năm nay tôi cấp cho doanh nghiệp bao nhiêu phần trăm ngân quỹ thì do đảng chính trị quyết định, cho nên nếu có thay đổi gì đó trên hệ thống chính trị thì những hệ thống này ở dưới nó vẫn chạy được. 

Ví dụ như ở gần mình nhất là Thái Lan, họ thay đổi đảng xoành xoạch nhưng mà giáo viên của họ không bị ảnh hưởng gì về lương bổng, nhưng mà ở Việt Nam mình thì lại khác à. Chị hình dung bao nhiêu công chức của Việt Nam, tất cả các hệ thống công lập đó đều gắn với hệ thống chính trị hết, nếu giả sử biểu tình đó mà xảy ra thì nó sẽ là cuộc cải cách long trời lở đất, bởi vì hệ thống chính trị đó nắm toàn bộ cái xã hội này, không có một định chế chính trị độc lập. Nó không có "module" đó chị, thành thử ra không có dễ đâu. 

Chị hình dung bây giờ chính ông chủ của chị là người trả lương cho chị mà trả lương cho cả đất nước này luôn, mặc dù tiền đó cũng là tiền của chị chứ không phải là tiền của ổng, cho nên rất là khác. Ở những quốc gia đa đảng thì nó lại khác, đảng này của tôi lên tôi quyết định là năm nay sẽ cơ cấu nền kinh tế như thế nào, tôi chia cho giáo dục bao nhiêu phần trăm, tôi chia cho quốc phòng bao nhiêu phần trăm, thì nó lại khác, còn hệ thống giáo dục quốc phòng thì nó lại chạy độc lập. Cho nên ở Việt Nam nó khó hơn là bởi vì cái đảng này (đảng cộng sản) họ lãnh đạo từ trong gốc gác ra tới mặt tiền thì làm sao "phố Wall" gì được. Chị thấy không?

... và không có quyền?

Khánh An: Vâng. Nãy giờ Thành nghe các bạn tranh luận thì Thành thấy thế nào?

050_ONLY_0062144-250.jpg
Người dân hiền hòa ở TPHCM, ảnh minh họa. Photononstop
Thành: Về bản chất như chị Quỳnh nói thì cái quyền là không có rồi, nhưng mà cái nữa là yêu sách của biểu tình thì (phong trào) phố Wall quá rõ ràng. Nó đưa những yêu sách và nó biết rõ những gì nó đưa ra. Còn ở mình ví dụ như nếu có biểu tình thì trước tiên muốn biểu tình thì phải hiểu được vấn đề là cái yêu sách mình đưa ra khi biểu tình là gì, chứ nó còn lan man thì nó không tác động làm cho phong trào mạnh hơn. Mình còn mập mờ nhiều cái yêu sách trong đó.

Hoàng: Em có một cái nữa muốn chia sẻ. Bây giờ giả sử như cuộc biểu tình đó họ gửi lên một thông điệp là bây giờ phải thay đổi điểm này, điểm này, điểm này, thì ở một quốc gia có nhiều đảng mà họ không thay đổi thì chắc chắn đảng đó tới hết nhiệm kỳ là rớt, thì cái đó là cái chế tài. Còn bây giờ ở quốc gia độc đảng mà giả sử họ nói "không, tôi không thay đổi", thì bây giờ làm gì được nhau? Thì chỉ có cái hoặc là làm đảo chính luôn, hoặc là chấp nhận thôi! Chứ bây giờ tôi không có bầu cử, bầu cử của tôi nên không làm thay đổi được cái thể chế chính trị cho nên biểu tình ở quốc gia này nó không chế tài được nhiều.

Quỳnh: Vấn đề ở đây mình lại thấy như thế này. Không phải là đưa ra chế tài hay là không chế tài ở đây, mà là ở Việt Nam không thừa nhận người ta có quyền biểu tình. Mình nhìn lại mình mới thấy là từ năm 2007 – 2008 – 2009, ba cuộc biểu tình tự phát nó đẩy nhà nước tới chỗ bây giờ phải ra luật biểu tình, tức là nó cũng có thay đổi chứ! 

Cho nên thật sự những cuộc biểu tình ở Việt Nam đến giờ phút này, theo mình thấy, là chỉ muốn có một vấn đề đó là công khai thôi, hoặc không cho tôi làm thì công khai nói luôn đi là "không cho", hoặc cho làm thì cũng phải nói là cho làm như thế nào. Nó sẽ đẩy vô hai thế khác nhau nữa là khi mà mình làm thì mình phải có trách nhiệm hơn đối với luật họ đưa ra, hoặc nếu không cho tôi làm thì mình lại phải có cách phản ứng, tức là khi anh "tức nước" thì "vỡ bờ" thôi.

Không phải là đưa ra chế tài hay là không chế tài ở đây, mà là ở Việt Nam không thừa nhận người ta có quyền biểu tình. 

Như Quỳnh, Nha Trang

Không cho tôi làm thì tôi sẽ có cách khác nữa. Cho nên đằng nào, dù có biểu tình hay không biểu tình, có đưa chế tài như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng sẽ đẩy nhà nước phải đối diện với một vấn đề trực diện, đó là thừa nhận quyền của công dân dưới một hình thức khác là đưa ra một cái chế tài là luật biểu tình mới.

Thục Vy: Em nghĩ là, như chị Quỳnh nói các cuộc biểu tình 2007 – 2009 rồi năm nay đã đẩy nhà cầm quyền đến cái chỗ là đưa ra luật biểu tình. Thực ra chúng ta chưa biết cái luật biểu tình đó có nội dung như thế nào. Chúng ta cũng không biết đây là tiến bộ hay là đi thụt lùi.

Như Quỳnh: Mình không quan tâm tới nó là tiến bộ hay là thoái trào, nhưng ít nhất là nó công khai và nó không thể né tránh chuyện biểu tình nữa. Cái đó là một bước tiến chứ? Trước giờ nó luôn lập lờ cái chuyện biểu tình là chuyện tụ tập đông người, bây giờ mình buộc nó phải trả lời một cách công khai. 

Em thử nghĩ đi, một nhà nước chiếm chính quyền bằng những cuộc biểu tình mà bây giờ phải thừa nhận chuyện biểu tình trong luật, dù nó có cấm đi chăng nữa, nếu nó cấm thì mình thấy rõ bản chất nó nằm ở đâu, còn nếu nó có những chế tài khác thì chúng ta sẽ tuân thủ các chế tài đó. Người biểu tình phải khôn ngoan và thông minh hơn, như những lần ở Hà Nội, cho nên dù nó như thế nào đi chăng nữa, một khi thủ tướng đã mở miệng bảo là có luật biểu tình thì đó là một bước tiến mà mình chưa biết là nó tiến tới chỗ nào, nhưng mà đó là bước tiến công khai thừa nhận là có chuyện biểu tình, như vậy là tốt.

Chưa vượt qua nỗi sợ  

Khánh An: Vâng. Từ nãy giờ mình nói rất nhiều đến định chế, chế tài, rồi hệ thống tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa… nói chung là mình nói về "tầng trên", tại sao lại không có được cái phong trào tương tự như phong trào "Chiếm Phố Wall" ở tại Việt Nam, thế thì các bạn có cho rằng còn rất nhiều nguyên nhân khác xuất phát từ bên dưới không? Từ người dân chẳng hạn?

Hoàng: Câu trả lời đơn giản là vì ở Việt Nam biểu tình không giải quyết được cái chuyện đó. Ở nước ngoài thì với cái cơ chế xã hội nó vận hành như thế thì cái biểu tình là cái cách để giải quyết tình trạng đó.

000_Hkg5203471-250.jpg
Công an, dân phòng xung quanh TAND TPHCM hôm xử GS Phạm Minh Hoàng, 10/8/2011. AFP photo
Như Quỳnh: Chị nghĩ không phải là không giải quyết được mà nhận thức của người Việt mình nó chưa tới đó. Mình chưa ý thức được cái quyền của mình, mà cũng chưa ý thức được cái lợi ích từ chuyện biểu tình đem lại. Bây giờ ví dụ Quỳnh nói nè, mình biểu tình về chuyện thất nghiệp và tăng giá. Ngoài chuyện biểu tình đó, mình không phải xuống đường không mà mình phải có những hành động hợp tác, chẳng hạn như bây giờ mọi người thường hay nói là mình biểu tình chống điện lực bằng cách nào. 

Cúp điện không xài nữa thì nó là nhà độc quyền mà? Ủa đâu phải vậy! Nếu như có một nhận thức lớn từ mọi người, từ các doanh nghiệp, từ tất cả những người khác đồng loạt thử trong bao nhiêu ngày mình không xài điện, xã hội sẽ đình đốn, tất cả các tiến trình nó sẽ bị chậm lại, tức là mỗi người chịu khó nhận thức và suy nghĩ một chút xíu về cái chuyện xa hơn nữa thì mình sẽ làm được. 

Tại sao ở bên Pháp người ta đình công về chuyện lái taxi, lái xe tải, người ta làm được và buộc nó phải có chính sách thay đổi, mà mình lại không làm được là bởi vì nhận thức. Nhận thức của mình nó chưa đi tới đó được, chứ mình không thể nào mà mình đổ lỗi là do cái cơ chế của mình nó không có như vậy, mà quyền của mình thì mình phải ý thức, mình đòi thì nó mới có.

Nhiều khi mình chưa làm mà mình đã thấy sợ rồi. Có những nỗi sợ hãi rất là mơ hồ và dân mình hầu như đều sợ hãi những cái chuyện đó. Bởi vì sao? Bởi vì cái tâm lý yên thân. 

Như Quỳnh, Nha Trang

Thục Vy: Em thì em nghĩ thế này. Chị Quỳnh nói là người dân chưa hiểu rõ được cái quyền của minh, chưa ý thức được tác dụng của biểu tình, em cũng đồng ý chuyện đó, thế nhưng mà vì sao lại như vậy? Em quan tâm đến mối quan hệ giữa chính trị, xã hội, văn hóa cho nên em nghĩ nền chính trị nó sẽ tạo ra văn hóa - xã hội như thế, dần dần trong khoảng thời gian đủ dài thì nó triệt tiêu cái ý thức về quyền con người của người dân, cái chế độ độc tài nó sẽ triệt tiêu và cho đến ngày hôm nay thì gần như những người lãnh đạo đã thành công trong việc làm cho người dân quên mất rằng mình có những quyền gì. 

Ồ, mà thật ra cũng không phải là quên khi mà thực sự chúng ta, đối với người dân Miền Bắc, còn người dân Miền Nam thì em không nói vì hồi Việt Nam Cộng Hòa thì người ta đã từng sống và từng biểu tình rất là rầm rộ với các phong trào thanh niên sinh viên, thế nhưng mà đối với người dân Miền Bắc thì người ta chưa hề biết biểu tình là gì. Đối với người dân Miền Nam thì sau ba mươi mấy năm người ta đã quên mất rồi, quên mất là chúng ta đã có cái quyền ấy. 

Đấy, em nghĩ mọi truy nguyên nó đều nhằm vào chế độ độc tài, đó là khi mà người ta đã thiết lập hệ thống chính trị như thế là người ta muốn triệt tiêu dần dần cái ý thức của người dân về cái quyền của họ, cho nên chúng ta hôm nay mới như thế. Nhưng nếu chúng ta được sống trong một xã hội tự do thì chúng ta được hành xử các quyền ấy và khi chúng ta biểu tình thì nó có cái tác dụng như Hoàng nói lúc nãy, thì mắc mớ gì chúng ta lại không làm?

Như Quỳnh: Mình nghĩ như thế này. Đương nhiên là mình sống trong chế độ độc tài và ai cũng thấy chuyện đó rồi, đúng không? Cái chuyện mình nhìn xa hơn nữa đó là do mình sợ quá. Nhiều khi mình chưa làm mà mình đã thấy sợ rồi. Có những nỗi sợ hãi rất là mơ hồ và dân mình hầu như đều sợ hãi những cái chuyện đó. Bởi vì sao? Bởi vì cái tâm lý yên thân. 

Thật ra cuối cùng thì chế độ độc tài nó chỉ đẩy người ta vô chỗ sợ hãi thôi, nhưng mà quyền của mình thì mình phải được, không ai giúp được mình hết nếu mình không vượt qua được sự sợ hãi đó. Chẳng hạn có những chuyện mình thấy nó rất là đơn giản, mình có thể thắc mắc về chuyện đó bằng một lá thư, nhưng mà mọi người không làm là tại sao? – "Ôi, làm nó cũng không ra sao! Nó cũng không đến đâu!". Chính vì tự bản thân mình suy nghĩ như vậy và mình buông thả, mình dễ dãi với những chuyện như vậy, tự mình cũng tạo cơ hội cho chế độ độc tài nó bén rễ nữa. Chứ nếu mà mình có ý thức phản kháng, thì đương nhiên chắc chắn là do chế độ nó làm cho người ta sợ hãi là đúng, nhưng mà mình đòi hỏi cái gì thì cũng phải trả giá chứ, không thể nào mà tôi vừa đòi cái này mà tôi lại vừa muốn yên thân được. 

Cho nên bây giờ mình cứ đổ lỗi là tại chế độ độc tài nó như vậy cho nên mình không thể nào được hưởng những quyền đó, đó là một cách nhìn nhận hơi phiến diện, bởi vì thực sự nó đã là như vậy rồi thì mình phải đòi chứ! Thấy nhân dân Libya không? Nếu không có sự biểu tình của dân Libya thì sẽ không có đến cái chết của Gaddafi hôm nay. Thành ra chỉ có do mình tự quyết định bước qua hoặc ở lại với nỗi sợ hãi thôi…

Khánh An: Vừa rồi là ý kiến của Như Quỳnh. Đã đến lúc chương trình Cafe Wifi phải tạm dừng rồi. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong kỳ thảo luận cuối về vai trò của thông tin trong việc tạo nền tảng cho những phong trào tương tự như "Chiếm Phố Wall" xuất hiện tại Việt Nam.

Bây giờ thì Khánh An xin kính chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự: