THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 November 2011

Bà, cháu nương tựa nhau mà sống


28/11/2011 07:44:43
 - Đã thành lệ, mỗi sáng sớm trước khi đi học, Ngô Thị Thanh Nhung đều phụ giúp bà nội nấu cơm sáng. 14 năm qua, hai bà cháu Nhung đã phải nương tựa nhau để sống qua ngày.
TIN LIÊN QUAN

Cái nghèo đeo cái khổ

Kể về người cháu côi cút của mình, bà Nguyễn Thị Điểu (bà nội Nhung, năm nay đã 68 tuổi) cho biết: Sau khi sinh Nhung được hơn một năm, vì bạo bệnh, mẹ Nhung đã qua đời. Một thời gian sau bố Nhung đi bước nữa và đã có hai bé trai với người vợ bé. Nhung phải sống cùng bà nội từ khi mẹ mất đến giờ. 

"Cha nó nghèo lắm, lại đi bước nữa nên để tôi nuôi nó. Tôi già rồi, đâu làm gì nhiều được. Ngày ngày tôi đi hái rau má, rau ngót bán được khoảng 10.000đ, đủ để bà cháu tằn tiện sống qua ngày. Con Nhung nó siêng học lắm. Nhưng nhiều khi thiếu tiền đóng học phí cho cháu, tôi phải chạy vạy đủ đường", bà Điểu bộc bạch.
 
Bà Nguyễn Thị Điểu:
Bà Nguyễn Thị Điểu: "Hai bà cháu tôi dắt díu nhau sống qua ngày...".

Căn nhà bà Điểu và Nhung đang ở thuộc diện nhà tình nghĩa, được xây dựng vào tháng 7 vừa rồi. Nhưng cái nghèo đeo cái khổ, sau khi dựng xong nhà, bà Điểu còn nợ 4,3 triệu đồng mà không biết khi nào trả hết. Dù cuộc sống vô vàn khó khăn là thế, song người dân thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam lúc nào cũng thấy sự đầm ấm trong căn nhà của bà Điểu.

Nói về cô học trò mồ côi của mình, cô giáo Lê Thị Quyên, trường THCS Quang Trung (nơi Nhung đang học lớp 9) cho biết, Nhung là học sinh rất siêng học. Nhà trường cũng biết được hoàn cảnh của gia đình Nhung nên thầy cô trong trường ai cũng đồng cảm và chia sẻ. 

"Dù ngoài giờ học về còn phụ giúp bà nội làm những việc trong nhà nhưng Nhung vẫn học khá lắm. Nhung là một học trò siêng học và biết vâng lời thầy cô. Mong sao Nhung có đủ điều kiện để ăn học nên người", cô Quyên chia sẻ. 

Tiền ăn không đủ, lấy đâu tiền chữa bệnh

Hôm tôi tìm đến nhà, Nhung đang qua nhà bà ngoại ở thôn Thái Sơn, cùng xã chơi. Bà Điểu cho biết, thi thoảng Nhung cũng qua ở nhà bà ngoại như thế vì "nhiều khi tôi hết gạo, con bé qua nhà ngoại sống ít ngày mà". Hai người em cùng cha khác mẹ với Nhung cũng đang ở nhà bà Điểu, vì ba mẹ chúng đều đi làm kiếm tiền nên nhờ bà trông cháu. 

Tôi nhờ bà Điểu qua nhà ngoại Nhung gọi Nhung về. Khi được hỏi ước mơ sau này, Nhung chia sẻ: "Em ước mơ sau này được trở thành cô giáo. Nhưng nhiều khi đang ngồi trong lớp học, nghĩ đến khoản tiền học phí chưa nộp, em lại không tập trung học được. Em lo nếu không nộp được học phí thì sẽ bị đình chỉ thi. Nhiều khi như vậy, bạn bè kéo nhẹ vai áo em mới trấn tĩnh lại mà học tiếp".

Bà Điểu vạch cổ áo cô cháu nội, bảo: "Người nó như bị bệnh gì chú à. Mấy năm nay da nó nổi mấy cái đốm đen đen như thế này. Biết cháu bệnh, nhưng bà cháu tôi nghèo quá, ăn còn không đủ nên lấy tiền đâu mà đưa nó đi khám chữa bệnh được". 

Tôi hỏi thế sao không dùng bảo hiểm y tế của Nhung, bà Điểu buồn buồn: "Có bảo hiểm cũng phải có tiền chở đi bệnh viện rồi biết bao chi phí khác nữa chú. Tôi già rồi, trong nhà lại chỉ có cái xe đạp cho nó đi học đó thôi, lấy gì chở nó đi được". Như xấu hổ vì có người lạ nhìn những đốm đen trên người, Nhung vội gạt tay bà nội ra và xin phép xuống nhà dưới chuẩn bị nấu cơm trưa. Nhìn sự vội vã xuống bếp của Nhung, tôi cảm nhận được "cái sự dị" ở cô bé đang bước vào tuổi dậy thì. Năm sau Nhung đã vào lớp 10!

Ngọc Thi