THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 October 2011

Trang mạng xã hội và báo chí


2011-10-27

Trong một hội nghị chủ đề "Ảnh hưởng của truyền thông xã hội trên báo chí" tại Brussells, Bỉ, nhà báo nổi tiếng người Pháp Jean Quatremer cho rằng, việc viết blog trên các trang mạng xã hội đang lấn át báo chí truyền thống.

AFP photo

Ông Tom Furlong, Giám đốc Điều hành Facebook trình bày hệ thống máy chủ mới mở rộng thêm ở vùng Bắc Cực, điểm đầu tiên ngoài nước Mỹ. Ảnh chụp tại Thụy Điển hôm 27/10/2011.

Blog - nhật ký cá nhân 

Phát biểu tại Hội nghị "Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đối với báo chí", nhà báo nổi tiếng người Pháp Jean Quatremer cho biết ông đã sử dụng blog và Facebook, Twitter để đăng những bài viết mà các tờ báo không dám đăng để chứng minh rằng vẫn có những độc giả muốn theo dõi các tin tức đó. Ngoài ra, việc tương tác với độc giả còn giúp cho ông có thêm các ý tưởng cho những bài viết sau đó. 

Theo ông Quatremer, việc viết blog trên các mạng xã hội đang có xu hướng đánh bại các phương tiện truyền thông khác.
Kể từ khi xuất hiện các phương tiện truyền thông xã hội, báo chí truyền thống bị đặt trước những thách thức về tốc độ đưa tin, tính trung thực và sự đa dạng của tin tức. Điều này hoàn toàn không ngoại lệ đối với ngành truyền thông tại Việt Nam.

Nói về ảnh hưởng của các blog, mạng xã hội đối với báo chí tại Việt Nam trong thời gian qua, blogger Duy Ngọc cho rằng: 

"Tôi nghĩ mạng xã hội chắc chắn làm thay đổi, nó tác động đến các cơ quan truyền thông. Nó đòi hỏi sự đa chiều, lan truyền thông tin nhanh chóng hơn. Nó giúp điều chỉnh các cơ quan truyền thông trong nước. Bây giờ những tờ như Công An, Quân Đội hay Sài Gòn Giải Phóng chẳng hạn thì bây giờ thông tin lan truyền rất nhanh. 

Trước đây người ta có thể ngăn chặn phản hồi, nhưng bây giờ người ta có thể post bài lên trang mạng xã hội, có thể khen chê… thì các báo chắc chắn sẽ cẩn trọng hơn và họ cũng nhận được những thông tin ở đó, chắc chắn họ có điều chỉnh như những tờ Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi Trẻ, Pháp Luật…"

Còn TS. Nguyễn Xuân Diện, chủ nhân của Blog Nguyễn Xuân Diện, một trong những trang mạng có số lượng truy cập cao, với trên 7,6 triệu lượt, cho biết blog và mạng xã hội là nơi đặc biệt mà ông gửi gắm những suy tư, những vấn đề mà ông quan tâm thay vì hình thức viết bài gửi cho các báo như trước đây. Ông chia sẻ:

Chúng tôi quan niệm blog là nhật ký cá nhân, ở đó có thể gửi gắm, chứa đựng những tâm tư, tình cảm hoặc những ý kiến của chúng tôi đối với tất cả những vấn đề xảy ra...

TS. Nguyễn Xuân Diện

"Từ khi đọc qua blog, tức là hình thức viết nhật ký cá nhân, thì chúng tôi không viết bài để gửi cho các báo chí truyền thống nữa vì chúng tôi quan niệm blog là nhật ký cá nhân, ở đó có thể gửi gắm, chứa đựng những tâm tư, tình cảm hoặc những ý kiến của chúng tôi đối với tất cả những vấn đề xảy ra, những vấn đề chúng tôi quan tâm và những gì mà chúng tôi có thể nói. Chính vì điều đó, chúng tôi coi blog cá nhân là phương tiện rất hữu hiệu để chuyển tải và tương tác trong việc đưa thông tin hoặc trao đổi, chia sẻ." 

Một trong những điều tích cực khác mà hầu hết các blogger và cư dân mạng đều thừa nhận là các trang mạng xã hội đã góp phần bổ sung mảng thông tin thuộc dạng "lề trái" mà hầu hết các cơ quan truyền thông chính thống tại Việt Nam không thể hoặc không được phép đăng tải. 

Thông tin toàn cầu

000_Hkg3920056-250.jpg
Sử dụng điện thoại di động để vào các trang mạng xã hội. AFP photo
Một thí dụ điển hình là tin tức về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong vài tháng qua tại Sài Gòn và Hà Nội. Cũng chính từ việc liên tục cập nhật những tin tức liên quan đến các cuộc biểu tình một cách nhanh chóng, chính xác và trung thực mà những trang blog cá nhân như trang Dân Làm Báo, blog Nguyễn Xuân Diện, blog Ba Sàm… đã có số người truy cập tăng vọt và được biết đến như những trang tin hàng đầu cho những vấn đề được xếp vào dạng "lề trái" như trên.

Chia sẻ về những ích lợi mà mạng xã hội mang lại, TS. Nguyễn Xuân Diện cho rằng ngoài việc có chỗ để bày tỏ những mối quan tâm, trăn trở về những vấn đề xã hội hay trao đổi chuyên môn nghề nghiệp, một niềm vui khác mà blog mang lại ông chính là những người bạn mới. Ông nói: 

"Từ khi tôi có blog cá nhân thì tôi có thêm rất nhiều bạn. Tính tương tác mạnh mẽ của blog, các trang mạng xã hội khiến cho thế giới rộng lớn nhưng những con người ở khắp mọi nơi trên thế giới được kết nối, chia sẻ với nhau. Vì vậy họ trở thành bè bạn chỉ trong chốc lát và họ có thêm nhiều bè bạn. Vì vậy tiếng nói của họ được lan tỏa. Niềm vui hay nỗi buồn, những suy tư của họ có mức độ lan tỏa và được chia sẻ mà không một hình thức nào có thể sánh bằng. Đấy là cái lợi mà mạng xã hội đem lại cho những người bắt đầu tham gia vào các trang mạng xã hội và hòa vào dòng thác thông tin toàn cầu như vũ bão hôm nay."

Tính tương tác mạnh mẽ của blog, các trang mạng xã hội khiến cho thế giới rộng lớn nhưng những con người ở khắp mọi nơi trên thế giới được kết nối, chia sẻ với nhau. 

TS. Nguyễn Xuân Diện 

Riêng với người đọc tại Việt Nam, blog và mạng xã hội đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong ngày đối với một bộ phận lớn những người sử dụng internet. Một trong những mạng xã hội mà rất nhiều cư dân mạng thừa nhận là đã "nghiện", đó là trang Facebook. Nhiều người cho biết đây cũng chính là một trong những nơi mà họ có thể tìm được những kết nối để đọc các tin tức, bài viết thuộc dạng "lề trái" bên cạnh những blog cá nhân nổi tiếng khác. Chính vì vậy, mặc dù liên tục bị chặn trong một thời gian dài, số thành viên của trang Facebook vẫn lên đến hơn 2,5 triệu người. 

So sánh giữa ảnh hưởng về mặt truyền thông của mạng xã hội và báo chí chính thống, TS. Nguyễn Xuân Diện cho rằng: 

"Tôi đánh giá là giữa báo chí truyền thống và các trang mạng thì hiện nay ở Việt Nam, đối với những cư dân thành thị, tức là những nơi có internet thì mạng xã hội được người ta quan tâm hơn rất nhiều so với báo chí chính thống. Đã lâu nay rồi người ta không còn mua báo nữa. Ở Việt Nam rất ít người mua báo. 

Những người sử dụng mạng rồi thì họ không mua báo nữa vì báo chí truyền thống đơn giản, tẻ nhạt, ít thông tin và không có độ chân thực cao như blog cá nhân hoặc các trang mạng xã hội. Hai nữa là báo chí chính thống, kể cả báo mạng, mức độ chia sẻ của nó không được lớn như mạng xã hội. Chính vì vậy, mỗi một ngày mới, khi bắt đầu đến bật màn hình máy vi tính lên là người ta tìm đến các trang mạng xã hội, sau đó mới đến các trang báo chính thống."

Chỗ đứng của báo chí

000_Par6190937-250.jpg
Người dân đọc báo ở Athens hôm 06/4/2011. AFP photo
Blogger Duy Ngọc thì cho rằng mặc dù các trang mạng xã hội có xu hướng phát triển nhanh và mạnh, nhưng báo chí truyền thống vẫn có chỗ đứng của nó:

"Trang mạng xã hội thì chứa năng chủ yếu là lan truyền thông tin. Thường thì các thông tin đó cũng có thể lấy trên các tờ báo chính thống trong nước nhưng có thể các trang mạng xã hội lấy bài với sự chọn lọc và có sự bình luận, phản hồi thì (mình) có thể đọc nên vẫn tìm đọc song song cả hai. 

Mình vẫn lướt qua một số trang trong nước vì dù sao họ vẫn có chuyên môn trong việc đi thu thập thông tin đối với các cơ quan nhà nước. Còn những blogger và những thành viên mạng xã hội thì họ không thể lấy thông tin được nhưng họ có thể xử lý thông tin đó theo góc nhìn của họ, góc nhìn đa chiều của những thành viên mạng thì mình có thể tham khảo. "

Theo kết quả nghiên cứu Net Index do công ty Yahoo và công ty nghiên cứu thị trường Kantar Media thực hiện tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn và Cần Thơ trong hai tháng đầu năm nay thì số người sử dụng internet hàng ngày tại Việt Nam đã vượt qua báo giấy và radio. Cụ thể, số người dùng internet đạt 42% trong khi số người đọc báo giấy chỉ chiếm 40% và nghe radio chiếm 23%.

Ngoài ra, một khảo sát khác của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen cũng cho biết có đến 96% số người sử dụng internet tại Việt Nam đều đã từng ghé qua một trang mạng xã hội. Thêm vào đó, họ lại là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các thông tin đăng trên mạng xã hội so với cư dân các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.


Theo dòng thời sự: