THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 August 2011

Lương tối thiểu và mức sống tối thiểu


Dự kiến từ ngày 1-10-2011, Chính phủ sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp trong nước và FDI như trước đây.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu sẽ tăng từ mức thấp nhất là 830.000 đồng lên 1,4 triệu đồng/tháng. Theo đó, lương tối thiểu đối với người lao động tại vùng 1 sẽ là 1,9 triệu đồng/tháng, cao hơn mức hiện nay đối với doanh nghiệp trong nước là 350.000 đồng và với doanh nghiệp FDI là 550.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu vùng 2 là 1,73 triệu đồng; vùng 3 là 1,55 triệu đồng; vùng 4 là 1,44 triệu đồng.

Thế nhưng, theo khảo sát thực tế của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì mức tiền lương bình quân thấp nhất hiện nay của người lao động làm việc trực tiếp ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là từ 2,2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng, ở các địa phương trong khoảng từ 1,8 triệu - 2,2 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, tổ chức này đã đề nghị mức lương tối thiểu vùng 1 là 2,2 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 2 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 1,8 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 1,6 triệu đồng/tháng.

Như vậy mới thấy lương tối thiểu dù có điều chỉnh như đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn không giải quyết được mức sống tối thiểu.

Tiền lương tối thiểu được hiểu là số tiền thấp nhất mà doanh nghiệp trả cho người lao động làm công việc giản đơn và đáp ứng được mức sống tối thiểu, thêm vào đó là phần tích lũy để tái sản xuất mở rộng sức lao động, chẳng hạn có thể dành dụm để nuôi con và các chi phí khác... Tuy nhiên, hiện nay quy định về tiền lương tối thiểu trả cho người lao động vẫn quá thấp do chưa căn cứ vào mức sống tối thiểu.

Suy cho cùng, lương tối thiểu chẳng qua để người lao động và chủ doanh nghiệp dựa vào đó để thỏa thuận mức lương, trong khi nó tỏ ra rất xa rời mức sống tối thiểu. Ai cũng nhận ra rằng tình trạng này ngày càng lún sâu là do sự tham gia giải quyết vấn đề tiền lương của Nhà nước, công đoàn, người sử dụng lao động chưa tốt. Thực tế, khi thỏa thuận về lương rất gay go, công đoàn khó độc lập để đề xuất mức lương với doanh nghiệp vì chính cán bộ công đoàn cũng là người ăn lương của doanh nghiệp. Đây là chuyện tồn tại từ lâu nhưng không có cơ chế giải quyết.

Dù Chính phủ liên tục điều chỉnh lương tối thiểu, thậm chí như lần này điều chỉnh trước lộ trình theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao nên giá trị tiền lương thực tế giảm, tiền lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu như mục tiêu đã đề ra.

Lương quá thấp so với cường độ, thời gian mà người lao động làm việc cũng là nguyên nhân chính dẫn tới phần lớn các cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động được công bố gần đây, tính đến hết 30-6, cả nước đã xảy ra 440 cuộc đình công, ngừng việc tập thể tại 23 tỉnh, thành phố. Con số này tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó các cuộc đình công, ngừng việc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Công nhân đi chợ chiều. Ảnh: Thục Anh
Nói đến lương tối thiểu mà không quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp là một sự thiếu sót thậm chí không công bằng khi ai đó cho rằng doanh nghiệp có trách nhiệm chủ yếu đến mức sống tối thiểu của người lao động. Trong khi đại diện sở lao động các địa phương, các tổ chức công đoàn thống nhất quan điểm mức điều chỉnh lương tối thiểu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất là hợp lý thì các doanh nghiệp lại cho rằng vào thời điểm này, nếu điều chỉnh lương tối thiểu thì chi phí đầu vào cũng là vấn đề vô cùng khó khăn đối với họ.

Các doanh nghiệp đề xuất không nên tăng lương vào lúc này, bởi đây là thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp. Trong khi lạm phát, giá cả tăng cao làm cho các yếu tố đầu vào tăng thì đầu ra sản phẩm và dịch vụ lại vẫn không thay đổi.

Hiện các chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất đã tăng khoảng 20%, cộng thêm lãi suất ngân hàng muốn vay được cũng phải 20%, có trường hợp lên đến 24%, bây giờ mà tăng lương nữa doanh nghiệp không kham nổi. Đấy là chưa kể đến việc, nếu doanh nghiệp khó khăn quá, sẽ không thực hiện được mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát. Và điều gì sẽ xảy ra khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do tình hình làm ăn khó khăn: nền kinh tế không đạt được mục tiêu tăng trưởng, người lao động không có việc làm khiến xã hội thêm gánh nặng.

Giữa bao nhiêu sức ép như vậy, một số doanh nghiệp thông cảm với khó khăn của người làm công ăn lương đã tính toán, tiết kiệm các chi phí khác để chia sẻ lợi ích với người lao động. Hầu hết những doanh nghiệp này thuộc khu vực tư nhân, hiện chiếm số lượng lớn (80%) nhưng quy mô sản xuất nhỏ.

Nhìn lại các đợt tăng lương tối thiểu từ 10 năm qua thì chế độ tiền lương đã hoàn toàn bị bỏ xa trong cuộc chạy đua với lạm phát. Cụ thể, lương tối thiểu dù được điều chỉnh tăng bảy lần (từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng), song đã hoàn toàn trở nên lạc hậu so với tốc độ tăng GDP (khoảng từ hơn 6% - hơn 8% mỗi năm) và CPI (có ba năm dưới 5%, bốn năm từ hơn 6 - 9,5%, hai năm trên dưới 12%, một năm là 19,9%).

Thực tế việc điều chỉnh lương chưa căn cứ vào mức sống tối thiểu mà chỉ mới căn cứ vào khả năng đáp ứng của ngân sách. Bên cạnh đó, việc cùng một địa bàn, cùng công việc và cùng sức lao động, song người lao động tại doanh nghiệp FDI lại được hưởng lương tối thiểu cao hơn doanh nghiệp trong nước là điều đáng suy nghĩ. Đó là chưa nói đến lạm phát những năm qua phức tạp hơn nhiều và gây ra những tác động xấu đáng kể cho đời sống của người lao động.

Căn cứ trên cơ sở khảo sát của một cơ quan chuyên môn, các chuyên gia khẳng định lương tối thiểu của người lao động tại nước ta chỉ đạt 4.000-4.500 đồng/giờ
(0,2-0,275 USD/giờ), trong khi khu vực EU đạt 5,33 USD/giờ (gấp 20 lần Việt Nam) và khu vực ASEAN đạt 0,76 USD/giờ (gấp ba lần Việt Nam), đủ thấy việc các doanh nghiệp trả lương cho người lao động quá thấp.

Trong vòng xoáy của lạm phát, mức lương tối thiểu hiện nay cũng như tổng thu nhập mà doanh nghiệp trả vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì làm sao họ có thể tích lũy để tái sản xuất mở rộng sức lao động.

Cần nhìn vấn đề dưới góc cạnh xây dựng chế độ tiền lương trong thời buổi khó khăn, ở đó có trách nhiệm của Nhà nước trong điều hành kinh tế vĩ mô, bởi điều này góp phần đáng kể vào khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu nhờ năng suất của người lao động được nâng cao cùng với thu nhập của họ.

Một chế độ lương không phù hợp không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động mà cả cho doanh nghiệp và cao hơn nữa là cho nền kinh tế. Để tìm sự phù hợp thì cần thiết "xóa bài làm lại" chế độ tiền lương trên cơ sở năng suất lao động, trong đó có sự đóng góp của việc đào tạo tay nghề với các biện pháp ưu tiên của Chính phủ dành cho lĩnh vực này.

  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần