Thông báo ngày 18-8 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cấm biểu tình «tự phát» được đông đảo người dân thủ đô cho là một thông báo lạ. Lạ vì không có tên, chức vụ, chữ ký của người chịu trách nhiệm, của người ra thông cáo. Lạ vì không có số công văn vào sổ đăng ký văn bản theo quy định hành chính.
Bản thông báo ấy được những người yêu nước biểu tình chống bành trướng xâm lược coi là không có giá trị vì vi phạm Hiến pháp. Hiến pháp hiện hành ban bố năm 1992 ghi rõ công dân có quyền biểu tình theo hướng dẫn của pháp luật. Từ đó đến nay, vẫn chưa có luật biểu tình để hướng dẫn công dân thực hiện quyền hiến định của mình, đó là lỗi của Nhà nước, của Quốc hội, nhưng thiếu sót đó không thể xóa bỏ, trì hoãn quyền vốn có của công dân. Vì lẽ đó, bản thông báo ngày 18-8 của Ủy ban nhân dân Hà Nội hoàn toàn không có giá trị pháp lý, hoàn toàn không có giá trị cưỡng chế.

Huống hồ trên bản thông báo lạ kỳ này còn có một tính từ lạ. Đó là từ “tự phát”được dùng nhiều lần. Bản thông báo khuyết danh lên án và ngăn cấm các cuộc biểu tình tự phát. Tại sao lại tự phát? Thế nào là tự phát? thế nào là biểu tình tự phát? Trong khi nhiều bạn blogger trong và ngoài nước vẫn tiếp tục bàn tán, phân tích, mổ xẻ về bản thông báo không bình thường này, đây cũng là một điểm cần trao đổi thêm.

Tôi muốn được hỏi nhà văn, nhà ngôn ngữ học – blogger Nguyễn Hưng Quốc, theo bạn thế nào là cuộc biểu tình tự phát?  Trong thông báo nói trên, người thảo công văn này có ý nghĩ thế nào là một cuộc biểu tình tự phát, và theo họ nó sai trái, nguy hiểm ra sao mà phải bị ngăn cấm?

Thiển nghĩ, từ tự phát nói lên ý nghĩ, não trạng của giới cầm quyền độc đảng, rất nên đi sâu phân tích, lý giải, khi họ nói đến những cuộc biểu tình gần đây của những người yêu nước. Tôi phán đoán có nhiều khả năng không sai là chính Bí thư thành ủy đảng CS Hà Nội - Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tiếp nối nhau phê duyệt bản thông báo này, nhưng không ai muốn ghi rõ tên vì e ngại, vì sợ trách nhiệm, niềm e ngại và nỗi sợ dễ hiểu. Vì theo nguyên tắc đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, thường xuyên và liên tục thì một quyết định quan trọng như thế không thể không qua phê duyệt của những người có chức vụ cao nhất.

Theo nếp nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức của nhà cầm quyền độc đảng, trong một nước xã hội chủ nghĩa do đảng CS độc quyền lãnh đạo, chỉ có những cuộc biểu tình tuần hành theo lệnh của đảng, tức là những cuộc biểu tình có chủ trương lãnh đạo của đảng, còn ngoài ra đều là những hành động tự phát, không có chủ trương lãnh đạo của đảng, là phạm nguyên tắc, là sai trái, phải bị cấm. Đây là nếp nghĩ đã hằn sâu trong não của giới lãnh đạo và trong não của một bộ phận nhân dân thiếu óc tự chủ, theo đó công dân chỉ được làm những gì đảng chỉ bảo, cho phép, không ai được làm điều gì tuy tự mình cho là đúng nhưng chưa được đảng cho phép, nếu cứ làm là phạm tội tự phát, từ chối sự dạy bảo, dạy dỗ, chăn dắt, lãnh đạo của đảng.
Trong một xã hội dân chủ, khái niệm tự phát hình như mang một ý nghĩa khác. Do đó khi dịch bản thông cáo của Ủy ban Nhân dân Hà Nội cho các nhà báo Pháp, tôi lúng túng, không biết dịch sao cho rõ nghĩa. Tự phát có khi mang ý nghĩa là suy nghĩ vội vàng, chưa chín, theo bản năng, nhẹ dạ, chưa có cân nhắc cẩn trọng,trái với tự giác, thường có nghĩa là qua suy nghĩ, cân nhắc kỹ. Tự phát cũng có nghĩa là tức thời, ngay lập tức. Do đó dịch sang tiếng Pháp có thể dịch là “d’instinct », “à la légère “hay là “spontané », đều không đúng nghĩa, không lột tả nội dung của người ra bản thông báo. Có bạn dịch ra tiếng Anh là «self-initiated».

Trong khi đó, theo ý nghĩ của người thảo và phổ biến bản thông báo thì tự phát có nghĩa là không nghe theo lãnh đạo, tự ý hành động một cách lộn xộn, tự do vô tổ chức, có hại, cần phải ngăn chặn cấm đoán và nghiêm trị. Cần giải thích rõ như thế cho các bạn nước ngoài.

Có thể nói lãnh đạo độc đảng và những người yêu nước biểu tình tuần hành chưa có cùng chung một ngôn ngữ, do không cùng chung một não trạng, rất khó có thể nói chuyện, đối thoại với nhau để đi đến thống nhất nhận thức, chữ nghĩa và hành động.

Một bên, những người yêu nước chống bành trướng coi việc sử dụng quyền biểu tình để biểu thị quyền tự do yêu nước vốn có của mỗi người công dân, không do ai sai khiến, giật dây, cũng không phải chờ khi có lệnh hay có luật biểu tình, tự mình vẫy gọi nhau tỏ thái độ mạnh mẽ dứt khoát cảnh cáo kịp thời bọn bành trướng là hành động chính nghĩa, chính đáng, theo đúng Hiến pháp, không một ai có quyền ngăn cản.
Trong khi đó nhóm lãnh đạo luôn giữ não trạng thâu tóm quyền lực trong tay, lại do đã trót ngầm cam kết với nhóm trùm bành trướng là ngăn chặn mọi cuộc đấu tranh mang tính chất quần chúng để chỉ dành cho việc thương lượng hòa bình song phương, nên buộc phải có bản thông báo lạ với khái niệm lạ lùng “tự phát», rất lạ lẫm với người ngoài cuộc.

Do đó việc tìm hiểu khái niệm tự phát có ý nghĩa rất quan trọng và lý thú để xác định rõ rệt thêm đâu là lẽ phải, đâu là chân lý và chính nghĩa, đâu là lòng yêu nước, ở phía kẻ ban hành bản thông báo kỳ lạ, hay ở phía những người bị bản thông báo kết tội một cách phi lý.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.