THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 July 2011

Hãy giữ danh phận cho cầu Long Biên!


22/07/2011 15:23:32

- "Đừng bao giờ nhân danh quá khứ để kiên cố cầu Long Biên thành một không gian chết" - KTS Lại Thành Tín.
 
TIN LIÊN QUAN

Tại Hà Nội, liệu có nơi nào có tầm nhìn thoáng, không gian thiên nhiên rộng mở, nơi con người có thể dừng chân để hít căng lồng ngực mà không sợ khói bụi? Liệu nơi nào có thể biến đổi thành mới mẻ và huyền ảo, mặc dù hiện thực thì đang xuống cấp từng ngày? Liệu có nơi nào trước kia đã từng vang danh khắp thế giới? Chỉ có thể là Long Biên. 

Đó là nơi có chiếc cầu sắt lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, với công nghệ hiện đại bậc nhất: toàn bộ dàn khung được đúc sẵn đến từng con ốc, từng thanh dàn, quy tụ rất rất nhiều vật liệu từ mọi miền đất nước. Đó là nơi người Hà Nội đã đổ mồ hôi, đổ nước mắt và cả máu để bảo vệ. Cây cầu đã đi qua hai cuộc chiến tranh với hai thế lực hùng hậu bậc nhất về quân sự thời bấy giờ. Và vẫn oai hùng đứng đó.
 
Cầu  Long Biên. Ảnh: IE
Cầu Long Biên. Ảnh: IE

Cầu Paul Dumer, với chiều nhìn xưa cũ, nó thật đẹp, cái đẹp của sự hoàn hảo trong công nghệ, trong thẩm mỹ, và trong ký ức của nhiều thế hệ. Nhưng cầu Long Biên hiện tại, liệu nó có còn đẹp và giữ nguyên giá trị, khi mà đôi bờ sông Hồng đã có 5 vạch nối hiện đại và bề thế?

Tất nhiên rồi, Long Biên vẫn đẹp, nó đẹp đến từng phút giây, từng mét sắt và từng bước chân qua. Tuy nó đã già, đã yếu, và đã mất đi cái nguyên nhất tổng thế bởi chiến tranh bom đạn, bởi công cuộc tái thiết lấy thêm một phần nhỏ nữa. Cầu Long Biên đỏ ối trên bờ xanh ngút ngàn bãi giữa. Liệu nó có thể đẹp như quá khứ? Liệu có thể biến Long Biên thành mới lạ và huyền ảo?  Liệu có thể để công nghệ hồi sinh cho Long Biên? Vâng. Hoàn toàn có thể, với Long Biên - ngày và đêm.

Với góc nhìn từ việc bảo tồn, để Long Biên còn mãi và sống tốt trong lòng thành phố Hà Nội, hãy để nó được như chính nó, gia cố những chỗ võng tại các nhịp dầm thay thế vào những năm 72, sửa lại trụ cầu và các trụ giảm chấn hai bên trụ chính và bảo tồn nguyên bản theo hướng có thể bảo tồn tiếp trong tương lai. 

Và đừng bao giờ nhân danh quá khứ để kiên cố nó thành một không gian chết. Cầu Long Biên trước tiên phải sống với danh phận là một cây cầu, phục vụ giao thông nối liền hai bờ sông Hồng. Hiện tại, nó đang phục vụ đường sắt và các lại xe gắn máy, nhưng trong tương lai, chắc chắn, cầu Long Biên sẽ là cầu đi bộ, nối liền tuyến phố đi bộ từ bờ hồ Hoàn Kiếm – Hàng Đào – chợ Đồng Xuân - Bốt Hàng Đậu - cầu Long Biên vốn đã tồn tại trong quá khứ.

Đường sắt cũ sẽ được thay bằng đường bộ, có thể trải ván gỗ hoặc thay thế mặt bằng đường nhựa để phục vụ tuyến đi bộ cho người dân. Hai làn đường nhựa vốn đã rất cũ và nhiều chỗ phải chắp vá, được ngăn cách với đường sắt bằng hàng rào sắt an toàn, nay có thể dỡ bỏ hàng rào để biến thành các cụm dịch vụ cho khách đi bộ dừng chân ngắm quang cảnh. Nhưng tuyệt đối không theo lối kiên cố hoá mà nên được thiết kế, tính toán cụ thể theo hướng bền vững và có thể thay thế theo chủ đề và mục đích sử dụng linh hoạt. 

Thử tưởng tượng xem, khi nào đó, ta có thể ung dung rảo bước trên con đường nhỏ bắc qua sông, phía trên cao là dàn thép đỏ ố của thời gian, hai bên thật thanh bình với ông đồ già cho chữ, bác hoạ sỹ đang ký họa chân dung, hoặc giả đôi ba sạp báo với những chiếc ghế hững hờ chờ người lai rai đôi ba câu chuyện, với chén trà thơm và ríu rít tiếng cười đùa. Và liệu có nên chăng, ở xa xa bãi giữa kia là bãi ngô bãi sắn, với vườn chuối cây cau ngôi nhà mái đỏ như vốn đời đời nay nó vẫn thế hay là lừng lững bảo tàng với sân ngoài hầm trong hầm hập bê tông vốn đã kèn chặt đôi bờ sông?

Ban đêm, khi mà hiện tại Long Biên đang mờ mịt tối, sẽ hay hơn chăng khi hình bóng cũ được tái hiện bằng công nghệ LED. Đây là vấn đề sau cùng, "phục hiện hình ảnh cầu Long Biên bằng công nghệ ánh sáng". Như chúng ta đã biết, cầu Long Biên đã mất đi khá nhiều nhịp cầu do chiến tranh, vậy tại sao không khôi phục lại hình ảnh cũ mà vấn giữ nguyên những gì đang có trên cầu?

Bởi lẽ, đắp thêm nhịp sắt cho cầu liệu đã hay? Khi mà con cháu chúng ta sẽ không nhìn thấy cái thiếu hụt để thắc mắc, để tự kiếm tìm câu trả lời cho mình. Phải thông qua những trang sử rồi mới biết rằng, à, nhân dân Hà Nội đã làm nên điều thần kỳ Long Biên với 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc của  Mỹ, tối hôm trước cầu gãy làm đôi bởi bom đạn thì đến hôm sau không biết bằng cách nào mà cầu đã nối liền thông xe như cũ. Rồi những giàn tiểu liên và pháo cheo leo trên đỉnh nhịp cầu để bảo vệ bầu trời thủ đô.

Giải pháp đưa ra bằng ánh sáng sẽ như một vế đối giữa ngày và đêm, giữa được và mất, giữa quá khứ và tương lai. giữa bản sắc và hội nhập, giữa công nghệ mới và cũ,và thực sự giải pháp đã được kiểm chứng và công nhận bởi hội đồng chấm giải NCKH cấp bộ, giải Vifotec, sự công nhận và ủng hộ của Hội đồng Anh, Hội đồng Khoa học các trường đào tạo chuyên ngành kiến trúc tại Việt Nam và UBND thành phố Hà nội. 

Hãy chung tay bảo vệ và gìn giữ Cầu Long Biên. để từng ngày qua đi, khi chứng kiến sự biến đổi hình ảnh qua ngày và đêm, ta sẽ thấy quý hơn những gì mà cha ông đã dày công xây dựng.
Tác phẩm Cầu Long Biên- Ngày và đêm của nhóm tác giả Lại Thành Tín, Lê Anh Quyến và Đặng Ngọc Tú (Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã đoạt giải nhất cuộc thi Đánh thức không gian, do Hội đồng Anh và báo Thể thao Văn hóa tổ chức năm 2009.

KTS Lại Thành Tín

Làm gì để cầu Long Biên vừa giữ được vẻ đẹp vốn có, vừa vẫn là không gian sinh hoạt văn hóa - xã hội cho người dân? Hãy gửi tới Bee.net.vn ý kiến của bạn vào địa chỉ email tkts@bee.net.vn. Bee.net.vn mong độc giả hiến kế.