THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 July 2011

Credit Suisse: Lạm phát VN sẽ tăng hơn nữa vì hạ lãi suất


Bookmark and Share

 

HÀ NỘI 8-7 (TH) -Lạm phát ở Việt Nam sẽ lên cao hơn trong năm tới, khác hoàn toàn với dự báo, chỉ vì Ngân Hàng Nhà Nước cho hạ lãi suất trong tuần này.

Nhân viên một chi nhánh ngân hàng thương mại ở Hà Nội nhận các cục tiền như những cục gạch ký thác từ khác hàng. Các ngân hàng ngoại quốc chỉ trích Việt Nam hạ lãi suất vào lúc cần phải tăng lãi suất để chống lạm phát. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Chuyên viên của ngân hàng đầu tư Credit Suisse nhận định như vậy và cho rằng quyết định đó "quá sớm" và có thể làm giới đầu tư ngoại quốc hoang mang.

Ngày 4 tháng 7, Ngân Hàng Nhà Nước loan báo hạ lãi suất của thị trường mở (OMO) xuống còn 14% từ 15%. Ðây là hành động giảm lãi suất loại này đầu tiên trong năm nay sau khi đã gia tăng để kềm chế lạm phát.

Lãi suất OMO có vẻ như nền tảng của chính sách tiền tệ của Việt Nam, theo sự nhận định của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase & Co. hồi tháng 3 vừa qua.

Lạm phát tại Việt Nam lên gần 21% trong tháng 6 năm 2011, mức lên cao nhất từ cuối năm 2008 đến nay. Giá thực phẩm trong tháng qua và nửa đầu tháng 7 năm 2011 tăng rất nhanh, theo nhiều bản tin báo chí ở Việt Nam, báo hiệu lạm phát của tháng 7 nhiều phần còn cao hơn tháng 6.

Vào tháng 6, Võ Hồng Phúc, bộ trưởng kế hoạch và đầu tư, loan báo nhà cầm quyền dự trù siết chặt chính sách tiền tệ để kềm giữ lạm phát ít nhất cho đến cuối năm nay. Cùng ngày, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khuyến cáo Ngân Hàng Trung Ương của Việt Nam nên tăng lãi suất để chống lạm phát cũng như tránh bớt áp lực đè nặng lên giá trị đồng bạc.

"Quyết định cắt giảm lãi suất bây giờ là quá sớm và có nguy cơ bắn tín hiệu hoang mang cho thị trường." Santitarn Sathirathai, kinh tế gia của ngân hàng Credit Suisse ở Singapore nhận xét trong một phát biểu gửi cho nhiều người hôm Thứ Năm. "Quyết định phản ảnh chủ trương xưa nay của nhà cầm quyền Hà Nội là thúc đẩy tăng trưởng bất chấp ổn định kinh tế mà hiện nay đang làm cho lạm phát lên cao và thâm thủng mậu dịch".

Lạm phát vào dịp này của năm tới có thể ở khoảng 10.1%, tăng lên từ khoảng 8.7% cho dịp cuối năm 2012 theo một bản dự báo của Credit Suisse. Ngân hàng này dự báo lạm phát cuối năm 2011 sẽ khoảng 16% nhưng tin tức thời gian gần đây và những tiên đoán về vật giá vào dịp cuối năm của nhiều viên chức Việt Nam khi người ta chuẩn bị mua sắm Tết sẽ là cơ hội để lạm phát tăng bạo, không phải giảm xuống.

Credit Suisse dự báo lãi suất OMO ở Việt Nam có thể xuống đến 12% vào cuối năm nay thay vì phải tăng lên đến 16% như Credit Suisse dự báo trước đây.

"Chính sách tiền tệ ở Việt Nam lỏng lẻo," Santitarn viết. "Tác động của sự đảo ngược chính sách này có thể nhìn thấy trong các con số thống kê về tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam vào năm tới."

Hồi đầu năm, cả chính quyền cũng như Bộ Chính Trị đảng CSVN đều đưa ra các nghị quyết với lời lẽ mạnh mẽ cam kết dồn mọi khả năng để chống lạm phát. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế từng phát biểu là chính sách ở Việt Nam không mấy khi đi đúng trong thực tế khi thi hành.

"Những chỉ số mới nhất của nền kinh tế vĩ mô, gồm cả chỉ số tổng sản lượng quốc gia của quí thứ hai, đã chỉ cho thấy những dấu hiệu sơ khởi của nhu cầu tiêu thụ chậm lại." Santitarn viết. "Còn rất sớm để kết luận là các biện pháp siết chặt kinh tế tài chính đã có tác dụng mà như vậy có thể biện minh cho việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt là khi lạm phát chưa lên tới đỉnh cao nhất."

Trong khi đó, phản ứng lại sự chỉ trích của Credit Suisse và các ngân hàng ngoại quốc khác, TTXVN đăng tải một bản tin nói rằng Ngân Hàng Nhà Nước phủ nhận tin nới lỏng chính sách tiền tệ. Hãng tin này nói rằng "việc điều chỉnh giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) không phải là tín hiệu chính sách mà là giải pháp điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt."

Cái lối chơi chữ "điều hành linh hoạt" được hiểu là sử dụng để giải thích và tránh né các lời chỉ trích từ ngoại quốc.

Không riêng gì Creddit Suisse, những ngân hàng đầu tư khác như Citigroup của Mỹ, ANZ của Tân Tây Lan cũng đều đả kích hành động của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.