THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 June 2011

Vẫn định lừa tiếp!


     Hồi học cấp 3 tuy không thích môn văn, nhưng tôi vẫn thích những giờ giảng văn về Truyện Kiều, bởi đây là tác phẩm gần gũi với mọi người Việt Nam mà cô giáo dạy văn của tôi đã giảng về nó rất hấp dẫn. Cho đến tận giờ tôi vẫn nhớ được nhiều phân tích, đánh giá của cô với các nhân vật trong truyện nhất là các nhân vật phản diện trong đó có Sở Khanh. Chẳng hạn trong các câu thơ:

                                          "Nghĩ rằng cũng mạch thư hương 
                                          Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh"

việc dùng các từ "nghĩ", "hỏi ra mới biết", Nguyễn Du đã khéo léo gửi thông báo tới độc giả: Sở Khanh chẳng phải là"mạch thư hương" mà độc giả khi nhìn thấy "hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng" đã lầm tưởng. Đến hai câu :                   

                                              Tường đông lay động bóng cành.

                                              Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào"hành động "lẻn" đã gián tiếp tố cáo y là một nhân vật gian giảo.

Còn hai câu thơ tự giới thiệu mình với Kiều

                                        "Nàng mà biết đến ta chăng

                                         Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi" thì sự khoác lác của y đã đạt tới mức độ… trơ tráo.

   Thế nhưng Kiều vẫn tin vào y để rồi phải nhận hậu quả bị lừa tình, phải làm gái lầu xanh. Có thể là nhẹ dạ hoặc trong hoàn cảnh thân cô thế cô, "cá chậu chim lồng", không còn chỗ bấu víu mà Kiều buộc phải tin vào Sở Khanh. Nhưng dù giải thích theo cách nào  cũng không thể làm vơi đi nỗi bất hạnh của nàng Kiều trong những năm tháng lưu lạc. Vì Truyện Kiều có nhiều ảnh hưởng lớn trong văn hóa Việt Nam nên chữ "sở khanh" được dùng trong tiếng Việt với nghĩa là một người hay lừa tình.

     Mấy ngày nay ở đâu, đi đến đâu hễ nói chuyện thời sự là chủ đề lại xoay quanh "quan hệ Việt Nam- Trung Quốc". Ở nhà con thì lo lắng hỏi  "Liệu có chiến tranh Việt- Trung xảy ra không?". Đến câu lạc bộ thể thao thì còn tranh luận tới cả khả năng thắng, thua trong cuộc chiến. Đọc báo, vào mạng lại càng nhiều. Phải chăng những tuyên bố cứng rắn của bà Nguyễn Phương Nga- phát ngôn viên của bộ ngoại giao- trên truyền hình rồi cuộc đấu khẩu bất phân thắng bại giữa hai phát ngôn viên Việt, Trung đã bắt đầu phát huy tác dụng. Thực ra mối quan hệ này từ trước tới nay cũng được các phương tiện thông tin của nhà nước nhắc đến nhưng đa phần là chủ đề về hữu nghị, "4 tốt, 16 chữ vàng". Những sự kiện ngư dân Việt Nam bị bắt bớ, bắn giết, đâm chìm tàu,…ngay trên vùng biển của mình tuy rằng xảy ra thường xuyên nhưng chỉ được nhắc đến một cách dè dặt và đặc biệt là không dám chỉ đích danh thủ phạm. Các tuyên bố ở cấp quốc gia sau các sự kiện trên thì chậm trễ, hiếm hoi và "tính đanh thép" chỉ dừng lại ở mức "cực lực phản đối". Bất bình trước sự nhân nhượng tới mức ươn hèn của nhà nước đã có rất nhiều người yêu nước Việt Nam công khai phản đối các hành động trên của Trung Quốc thì nhà nước  vu cho họ là các "thế lực thù địch" can tội "xâm hại an ninh quốc gia", "gây rối trật tự công cộng",…để bắt giam. Với số còn lại thì vỗ về : "quan hệ với Trung Quốc là việc hệ trọng, nhân dân hãy để nhà nước lo" đồng thời vẫn phụ họa với các lãnh đạo Bắc Kinh để tung hô " mối tình hữu nghị, 4 tốt , 16 chữ vàng".

     Quan hệ giữa hai nước nếu thực sự là hữu nghị, tốt đẹp thì nó phải tuân theo các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tất nhiên là bảo toàn lãnh thổ của cả hai. Chỉ cần điểm lại diễn biến của quan hệ Việt- Trung từ trước tới nay sẽ thấy ngay thực chất của cái "hữu nghị, tốt đẹp" mà họ vẫn luôn ca ngợi và nhà nước Việt Nam đã "lo việc hệ trọng" đó như thế nào.  

   Năm 1958 ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm cho Chu Ân Lai công nhận tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa.

   Năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm được các đảo còn lại của Hoàng Sa do VNCH giữ, nhà nước VNDCCH gửi điện chúc mừng.

    Năm 1979 chiến tranh biên giới với Trung Quốc xảy ra Việt Nam bị Trung Quốc "dạy cho một bài học".

    Đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi Liên Xô và một loạt các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ. Mất chỗ dựa là Liên Xô các chóp bu cộng sản Việt Nam sợ mất địa vị lãnh đạo phải lục tục dắt nhau sang Thành Đô xin cầu hòa, dựa dẫm. Sau thời điểm này nhà nước cộng sản Việt Nam vốn đã lệ thuộc vào Trung Quốc lại càng lệ thuộc hơn.

    Năm 1999 hiệp ước biên giới ngầm ký kết giữa hai nhà nước Việt Nam mất thêm hàng chục nghìn cây số vuông đất liền trong đó có các địa danh quen thuộc Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm,….

    Năm 1988 Trung Quốc công khai đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa giết 64 chiến sĩ của hải quân Việt Nam.

     Những năm gần đây Trung Quốc liên tục bắt bớ, bắn giết, cấm đánh bắt cá trên biển Đông triệt đường sinh sống của ngư dân Việt Nam. Nhà nước chỉ phản đối lấy lệ để xoa dịu bất bình của dư luận.

     Năm 2009 để mặc cho một số lãnh đạo địa phương vùng biên giới bán hàng vạn héc ta rừng ở những vị trí trọng yếu cho Trung Quốc. Cùng năm này tiến hành dự án cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã bị đông đảo dư luận trong và ngoài nước phản đối quyết liệt.

    Về kinh tế hàng Trung Quốc giá rẻ, độc hại tràn ngập thị trường bóp chết các ngành sản suất hàng hóa ở Việt Nam.

    Năm 2010 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 13 tỷ đô, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam xuống thấp chưa từng thấy trong khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới. Như vậy:

   1) Nhà nước Việt Nam đã lo đáp ứng mọi yêu cầu của Trung Quốc bất kể là những yêu cầu ngang ngược, tai quái, gây nguy hại cho dân tộc như: để Trung Quốc khai thác baxite ở Tây Nguyên bất chấp sự phản đối của nhân dân trong, ngoài  nước, bắt giam những người yêu nước chỉ vì họ biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa, Trường Sa,…

  2) Nhà nước phải đã không bảo toàn được lãnh thổ vì đã để mất một phần đất đai do bị xâm chiếm, tự nguyện dâng nộp.

  3) Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị. Chủ quyền đất nước bị đe dọa nghiêm trọng.

   Cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua tàu hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên hai lần liên tiếp vào sâu trong lãnh hải để cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, VikingII biểu hiện sự ngang ngược, coi thường chủ quyền của Việt Nam, coi thường các luật pháp quốc tế . Sự kiện trên là hậu quả của một chính sách ngoại giao lệ thuộc, khiếp nhược, thần phục của nhà nước Việt Nam. Qua sự kiện đó Trung Quốc đã đơn phương lột bỏ chiếc mặt nạ  "4 tốt, 16 chữ vàng" mà lãnh đạo hai nhà nước Việt, Trung vì những lý do nào đó vẫn dùng để che đậy.

    Kiều bị Tú Bà bắt lại để rồi buộc phải làm gái lầu xanh, nhưng nàng cũng đã kịp nhận ra chân tướng và vạch mặt Sở Khanh khiến y đã phải kiếm đường tháo lui.

Lời ngay, đông mặt trong ngoài,
Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương !
Phụ tình án đã rõ ràng,
Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui"  

   Nhà nước Việt Nam dù phía Trung Quốc đã lột bỏ chiếc "mặt nạ, 4 tốt, 16 chữ vàng"   vẫn định lừa tiếp "nàng Kiều".

  Các phản ứng của nhà nước Việt Nam sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp:

    Phát ngôn của bà Nguyễn Phương Nga "Hải Quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam." được coi là mạnh mẽ, đanh thép.

    Ông thủ tướng cũng đã lên tiếng nhưng vẫn là nhắc lại những lời bà Nga đã từng nói trước đây "Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc".

    Và ông chủ tịch nước sắp sửa về hưu không lo mất "ghế" cứng rắn, lên giọng: "Người dân Cô Tô và lực lượng vũ trang ở huyện đảo thay mặt nhân dân cả nước bảo vệ vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc trên địa bàn Quảng Ninh. Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định, nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển, đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày hôm nay. Vì vậy chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo".

   Đến ông tướng Vịnh trả lời phỏng vấn của BBC"vụ tàu Bình Minh 02, sự việc hết sức nghiêm trọng, nhưng Việt Nam xử lý rất ôn hòa, bình tĩnh, phát biểu rất cương quyết nhưng thái độ rất xây dựng.

Đây là vụ việc Trung Quốc sử dụng bạo lực đối với tàu của Việt Nam. Việt Nam không sử dụng bạo lực để đáp trả, nhưng kết quả là như thế nào? Tàu Bình Minh 02 vẫn tiếp tục hoạt động như cũ trong vùng biển của Việt Nam.

Tiếp đến, Việt Nam đã trình bày với thế giới là có những sự việc như vậy, để quốc tế phân định ai đúng ai sai.

Thứ ba, Việt Nam đã chứng tỏ với Trung Quốc rằng Việt Nam tuân thủ nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo hai nước là giải quyết song phương vụ việc nảy sinh, nhưng một cách công khai, minh bạch và bằng biện pháp hòa bình.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì quan trọng nhất là xây dựng được sự đoàn kết với các nước có tranh chấp. Nhưng đoàn kết là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các mối quan hệ cũng phải công khai minh bạch" thì "khẩu khí" đã yếu hơn, không xứng với cương vị và thua xa của đàn bà.

     Bản tin củaTTXVN về các cuộc biểu tình xảy ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: "Ngày 5.6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra "các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc" trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM. Đó là thông tin sai sự thật.Trên thực tế,  sáng 5.6, có một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bày tỏ thái độ phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những người này cho rằng, hành động của các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN" đích thị là một lời"thanh minh" gửi tới "thiên triều" tạm dịch là : " Tin "có biểu tình phản đối Trung Quốc"là tin vịt. Chỉ có ít người tụ tập, đi ngang qua ĐSQ Trung Quốc và cũng chỉ có chúng thể hiện tinh thần yêu nước, phản đối Trung Quốc thôi".

Đọc các bản tin ngày 2/6 "Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố hoàn tất thủ tục về đất đai để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sớm triển khai Dự án tổng thể xây dựng Cung hữu nghị Việt – Trung tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội" và bản tin "Đoàn mặt trận tổ quốc Việt Nam thăm Trung Quốc. Ngày 6/9 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Cang đã có buổi hội kiến với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Hoàng Thám cùng đoàn đại biểu Việt Nam đang ở thăm nước này" thì gợi lên hình ảnh "một người bị đánh vẫn xông vào để… ôm hôn đối phương"

 Các tin tức: công an ngăn chặn, bắt giữ những người biểu tình chống Trung Quốc chứng tỏ "lập trường" của nhà nước vẫn "kiên định" như ngày nào. 

   Nàng Kiều thuở xưa chỉ bị Sở Khanh lừa có một lần. Chẳng nhẽ "Nàng Kiều- dân tộc Việt Nam" đã bị lừa nhiều lần lại bị một lần nữa!

                                                                          6/2011   TRẦN HOÀNG LAN