THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 June 2011

Toàn cảnh vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam


02/06/2011 07:23:46
 - Hành động xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc hôm 26/5 đang bị phản đối kịch liệt. Có chuyên gia cho rằng, vụ việc này  là một phần trong chiến dịch leo thang quấy rối của Trung Quốc, nhắm vào các quốc gia ASEAN.

Xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ hành động đến lời nói

Sáng 26/5, tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang tiến hành khảo sát địa chấn khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam thì bị 3 tàu hải giám Trung Quốc chạy vào cắt cáp thăm dò. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Một ngày sau khi sự việc xảy ra sự việc trên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối hành vi này của các tàu Trung Quốc.

Hai ngày sau (ngày 29/5), Bộ Ngoại giao cũng đã tổ chức họp báo khẳng định quan điểm của Việt Nam. Theo đó, "Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay mọi hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam". 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.
 
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. (Nguồn: TTXVN)
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, đáp lại việc này, ngày 31/5, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du lại tiếp tục bênh vực hành động của các tàu hải giám Trung Quốc và cho rằng, Việt Nam cần tránh tạo "những sự cố mới" tại biển Đông.

Bà Khương Du nói: "Chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (biển Đông) là rõ ràng và nhất quán. Lần này tàu hải giám của Trung Quốc đã thực thi hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc, hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam lập tức dừng mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không được tạo ra những vụ tranh chấp mới trong vùng biển của Trung Quốc". 

Báo chí Việt Nam đồng loạt lên tiếng 

Ngay sau khi xảy ra sự kiện 26/5, tất cả các  tờ báo trong nước đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.  Đồng thời đăng tải các ý kiến, nhận định nói của các nhà nghiên cứu, chính trị gia xung quanh sự kiện 26/5 và tinh thần đồng lòng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của dân tộc ta.

Ngày 1/6, báo Tuổi Trẻ dẫn nhận định của GS Leszek Buszynski thuộc Trường Nghiên cứu chiến lược quốc tế và chính trị ĐH ANU châu Á - Thái Bình Dương (Úc) cho rằng, vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu Bình Minh 02 là một phần trong chiến dịch leo thang quấy rối của Trung Quốc, nhắm vào các quốc gia ASEAN.

GS Leszek Buszynski nói: "Trước đó, tàu Trung Quốc đã nhiều lần quấy rối ngư dân Việt Nam. Gần đây, phía Trung Quốc cũng gây hấn với tàu khảo sát dầu khí Philippines và lực lượng tuần duyên Indonesia va chạm với tàu Trung Quốc ở gần quần đảo Natura. Rõ ràng Trung Quốc đang gia tăng các hành vi quấy rối để nắn gân không chỉ Việt Nam mà cả các nước ASEAN nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ. Hành vi tấn công tàu Bình Minh 02 là một diễn biến đáng lo ngại và nhiều khả năng những sự kiện như vậy sẽ còn tiếp tục xảy ra".
 
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm lãnh hải của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm lãnh hải của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phân tích kỹ thêm hành động của Trung Quốc, GS Leszek Buszynski nói: "Để đối phó với hành vi gây hấn của Trung Quốc, theo tôi, Việt Nam cần đưa vấn đề này ra ASEAN, đặc biệt là với Philippines và Indonesia. ASEAN cần phải thể hiện sự thống nhất trong vấn đề này và nếu ASEAN mạnh mẽ lên tiếng phản ứng lại chiến dịch leo thang quấy rối của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ buộc phải lắng nghe". 

Thông tấn xã Việt Nam liên tiếp có các bài viết: "Tàu hải giám Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam", "Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho Việt Nam" (27/5), "Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền Việt Nam" (29/5) trong đó dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, trong cuộc trao đổi với VnExpress thì cho rằng, có thể đưa vụ Trung Quốc xâm phạm Việt Nam ra Toà án quốc tế vì hành động này vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.

Biển Đông là vấn đề đa phương

Báo Financial Times bình luận sau vụ tàu hải giám Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam trên Biển Đông, an ninh Biển Đông sẽ là một chủ đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) tại Singapore vào ngày 3/6 tới. 

Dự kiến, hội nghị có phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.
 
Tàu cá xa bờ huyện đảo Lý Sơn(Quảng Ngãi) mang theo lá cờ tổ quốc trong lúc hành nghề trên biển Đông góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải.
Tàu cá xa bờ huyện đảo Lý Sơn(Quảng Ngãi) mang theo lá cờ Tổ quốc trong lúc hành nghề trên Biển Đông góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải. Ảnh: SGTT

Trên thực tế, trong những năm qua, cách hành xử của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp luôn là chủ đề gây chú ý tại Đối thoại Shangri-La. Trước vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, chính quyền Philippines cũng đã lên tiếng cáo buộc tàu và máy bay Trung Quốc quấy rối tàu Philippines.

Tuyên bố Jarkata ngày 31/5 nhấn mạnh, các đại biểu tại Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông" nhất trí rằng Biển Đông là vấn đề đa phương, từ việc duy trì hòa bình, ổn định cho đến đảm bảo tự do đi lại trên biển và triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký tháng 10/2002.

Tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với "Đường 9 điểm" trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Tuyên bố cho rằng các bên liên quan cần duy trì cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý ở Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm và hướng tới ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).

Trong khi đó, ngày 1/6, đô đốc hải quân Mỹ Robert Willard khẳng định, Mỹ không đứng ngoài các tranh chấp trên Biển Đông. "Mỹ cam kết mạnh mẽ để thấy các bên liên quan giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không đương đầu ở trên biển hay trên không" - Ông Willard nói.

Hãng tin AFP cho biết tại Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ tái khẳng định với các nước châu Á rằng Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, bất chấp áp lực ngân sách trong nước.
 
Để nắm bắt được đầy đủ thông tin về vụ việc này, mời độc giả đọc loạt tin/bài trên Bee:
 
TIN LIÊN QUAN