THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 June 2011

Sống lậu


Sống lậu

TP - Qua thị trấn biển Thuận An (tỉnh TT- Huế), thấy những nhóm người tranh nhau một huyệt mộ vừa di dời. Anh bạn dân bản địa làm nghề nhiếp ảnh cho biết: Họ giành đất để sau này ra ở riêng; rất nhiều cặp mới cưới cứ hễ ra riêng là dắt nhau ra... nghĩa địa hay trèo đê, dạt ghềnh tìm chỗ dung thân.



Nước máy về, dân Thuận An vẫn chưa thôi dùng nước giếng khoan ngay sát những huyệt mộ Ảnh: Ngọc Văn.


Xóm đá

Xã Thuận An, huyện Phú Vang, từ khi nâng thành thị trấn trong hơn 10 năm lại đây như thay áo mới với đường sá khang trang, siêu thị xôn xao, cảng biển sầm uất tàu bè, trường THPT bề thế… Nhiều nhà hàng, villa, resort cao cấp cũng đua nhau mọc lên như để hoàn chỉnh dần bộ mặt của một thị xã du lịch ven biển tương lai mà địa phương đang ấp ủ kế hoạch. Giữa phố huyện phồn phát ấy vẫn còn những ngõ khuất, mà ở đó nhiều gia đình phải vật vạ chen kèn đất sống với người chết, hoặc liều lĩnh gửi thân chìm nổi nơi cuối bãi đầu ghềnh.

Cuối năm 2010, ở thị trấn Thuận An bắt đầu có tên phố, tên đường. Cuối đường Thai Dương, gần điểm rẽ qua đường Tư Vinh hiện nay có một lối nhỏ không tên dài hun hút dẫn ra xóm chài nêm dày nhà cửa trên một bờ đê hẹp làm bằng đá chông chênh mép nước. Đứng trên cầu Thuận An nhìn về, cái xóm chài chừng 40 nóc nhà với gần 200 mặt người ấy như đong đưa sóng sánh giữa mặt đầm loáng nước, phía sau là cửa biển Thuận An quanh năm gầm gừ sóng dữ. Nhà cửa bám trên thân đê đá lẩy bẩy, cái xóm nhỏ cuối đường Thai Dương từ lâu có tên xóm đá. Chỉ một lối nhỏ vừa đủ cho từng người một vào sâu trong xóm. Đường đi trên đê bé tẹo là thế, nhưng nhà nào khá khẩm cũng đều tậu xe máy để ra phố cho nhanh.



Nhà siêu nhỏ trên con đê gần 100 tuổi ở thị trấn Thuận An .


Không ai nhớ đích xác xóm đá hình thành năm tháng nào, dân chỉ biết cái nền xóm bằng đá hộc lắp ghép tạm bợ ấy được tạo ra từ thời Pháp thuộc, non 100 tuổi, với chức năng kè chống xói lở ven phá Tam Giang, nối hai xã Thuận An (cũ) và Hải Dương. Sau này cửa biển Thuận An mở theo hướng mới, bờ kè bị nước cuốn bung làm đôi, chỉ còn lại một đoạn đê đá vươn ra mặt phá lưng lửng và cụt dần theo gió mưa năm tháng như hiện nay. Chị Lê Thị Diệp, một trong những cư dân đầu tiên của xóm đoán chừng: “Trước bão tám lăm (bão số 8 năm 1985) rải rác một vài hộ đã kéo đến đây rồi. Tui còn nhớ rõ mà, ngày đó bão vô bất ngờ, cả xóm mạnh ai nấy chạy tứ tóe. Bão tan, quay lại thì không còn nhà cửa mô nữa, chỉ thấy toàn là xác người từ nơi khác tấp vô ngay trên nền nhà, hốc đá, trông phát ớn. Những trận thiên tai lớn sau này, xóm lại đón xác chết... Dọn về đây sinh sống lúc đầu là những hộ chuyên ở đò, sau thấy không ai cấm đoán nên nhiều đôi vợ chồng trẻ trong làng hễ ra riêng cũng dạt ra kiếm chỗ”.

Xóm đá còn có tên khác là xóm chạy bão. Nhà cửa ngay đầu sóng, cheo leo trên thân đê no gió, hễ bão còn ngoài khơi, nhà cửa ở xóm đá đã sụm lại hoặc rung lắt vặt vẹo. “Ở tỉnh ni mỗi lần sắp có bão, xóm tui chắc là chạy trước tiên. Chậm chân là bị gió quăng quật xuống nước. Một năm có khi cả chục lần chạy bão, riết rồi cũng quen. Sống trên sườn đê đá nguy hiểm, nhưng không ở đây thì biết chun (chui) đi mô. Ở đây về mùa nắng, đò thuyền nằm ngay dưới chân nên tiện đi mần ăn”, anh Ngô Văn Dũng giãi bày. Có gia đình dù được cấp nhà tái định cư trong làng nhưng vẫn không dứt ra được khỏi xóm đá, vì để tiện bề công việc. Nhà dạng siêu nhỏ ở xóm đá cũng khá nhiều, chỉ rộng chừng 4 đến 5m2 vừa đủ cho hai vợ chồng trẻ mới ra riêng ngả lưng sau một ngày bươn bả sóng nước. Sau mỗi mùa gió bão, nhà tạm phải dựng, phải vá lại.

Đến xóm đá, tôi lấy làm lạ vì hầu như nhà nào cũng có con học tốt, dù cha mẹ suốt ngày bở hơi kiếm cơm theo đuôi con cá. Thấy khách lạ ngó nghiêng hai tấm giấy khen mới toanh treo trên phên nhà, anh Ngô Văn Dũng khoe: “Hai con gái tui đó, một đứa tiên tiến, một đứa giỏi. Mà rứa cũng chưa ăn thua, bên nhà anh Tái có cậu con trai vừa học xong đại học, chừ có việc làm trên phố. Còn chị Kim Chi cạnh tui đây cũng có con học cấp 3...”. Đây là thế hệ thứ hai của xóm đá, bọn trẻ đang ấp ủ hy vọng trong tương lai gần sẽ thoát cảnh lồi lõm chông chênh trên bờ đá.

Một lần gặp chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy-kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An trăn trở: “Chưa di dời xóm đá được đâu, chính quyền thị trấn giờ không có thẩm quyền cấp đất tái định cư, phải tùy thuộc vào tỉnh. Nhiều khu vực còn nguy cấp hơn thế, như xóm đuồi cuối thôn Hải Tiến, mỗi năm biển tràn nhà vài lần, dân cũng thường xuyên chạy bão, dời không xuể”.

Xóm đuồi

Xóm đuồi- theo cách gọi của dân địa phương, đó là vùng đầu ghềnh cuối bãi sát cửa biển Thuận An, thuộc vị trí xung yếu nguy hiểm chết người mùa mưa bão. Hơn 100 hộ dân xóm đuồi thôn Hải Tiến thuộc diện phải di dời nhưng vẫn bất chấp bám trụ kiếm cơm bên biển. Gần nửa trong số này là dân du cư từ các thôn khác của thị trấn, thậm chí ở xã ngoài về đây. Tận cùng xóm đuồi là ngôi nhà bé xíu của ông Đoàn Thanh Tâm (58 tuổi), người nhiều lần dời lán gỡ nhà phiêu bạt rầy đây mai đó quanh đất Thuận An. Ông là người thôn An Hải, phía trên. Xóm đuồi ở vị trí hiểm họa là vậy, nhưng lại là nơi ông Tâm dừng chân ưng ý và lâu nhất từ trước đến nay, chí ít cũng hơn 10 năm.

“Chạy lụt, chạy bão là chuyện không thiếu mỗi năm của xóm đuồi ni. Không năm mô là thôi sửa nhà vá phên sau bão. Nhưng được cái, ở đây dân du cư như tui không lo thiếu ăn”, ông Tâm kể. Từ khi ông Tâm về vùng đuồi, cuộc sống gia đình khá lên chút đỉnh nhờ nuôi cá lồng và gom cá ươn của các thuyền đi biển đem phơi bán làm thức ăn gia súc. “Ở đây mỗi ngày cũng kiếm đủ 3 bữa cơm, nếu chính quyền đuổi thì tui lại đi, nhưng đi tới mô thì chưa biết”, ông Tâm cười khà. Vòng quanh nhà, cái lán tạm ngày xưa của ông đã được thay bằng mái tôn. Chỉ tay một lượt qua gần 20 nóc nhà xây, nhà tạm của dân phiêu bạt dừng chân bám rễ vùng cuối đuồi, ông Tâm kể từng hoàn cảnh: “Đó là nhà anh Phương về đây ngót 20 năm rồi, coi như là ông khai canh. Kia là gia đình cậu Tám quê xã Hải Dương (huyện Hương Trà) tít bên kia cửa biển phiêu bạt sang đây. Nhà nọ là của một dân chài nghèo từ xã Phú Tân (cũ) dạt đến. Trên xa nữa là nhà anh Tuyến, lấy vợ xong kẹt chỗ ở nên ra mép nước dựng nhà chồ... Họ cũng như tui, tất cả đều sống lậu”.



Nhà dân chen với mồ mả người chết giữa lòng phổ biển .


Nửa nhà, nửa mộ

Có quá nhiều cách sống lậu giữa cái thị trấn du lịch ven biển phồn hoa sầm uất này. Sống lậu trên thân đê, trên rẻo đất đầu cửa biển, giữa những vuông đất huyệt mộ bỏ hoang bé xíu... Ở Thuận An hiện có nhiều xóm huyệt mộ lạ lùng thuộc các thôn Hải Thành, Hải Tiến, An Hải, Hải Bình, Minh Hải. Ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch UBND thị trấn lắc đầu ngán ngẩm: “Trước đây, cứ hễ ai dời mộ là có người đến canh giành đất để dựng nhà. Thời gian gần đây, địa phương siết nghiêm quản lý đất nghĩa trang, đất công cộng nên tình hình lấn chiếm tạm yên”. Dọc Quốc lộ 49B qua trung tâm thị trấn, không khó để tìm những chỗ tạm cư nửa nhà, nửa mộ của một bộ phận sống lậu là người Thuận An. Nhiều nhà đông người, khó khăn nơi ở, hễ con cái ra riêng là ra... nghĩa địa. Gọi là nhà cho có, vì nhà chỉ bằng đúng khuôn viên một ngôi mộ, gia chủ tận dụng thêm những khoảng trống dọc ngang giữa các nấm mồ để rào dậu, chắp vá mái đụp mái chằm làm chỗ kê tủ, chứa xoong nồi, lu vại. Tính sơ bộ ở khu nghĩa địa thôn Hải Thành hiện có khoảng 40 ngôi nhà chen mộ, thôn An Hải khoảng 30 nhà... Rộng ra toàn thị trấn, số hộ dân sống lậu trên đất nghĩa trang, đất huyệt mộ cũng lên đến con số hàng trăm.

Sống lâu ngày bên người chết rồi cũng sinh quen. Hôm rồi, anh bạn già nhiếp ảnh dân thổ địa vừa gặp lại tôi đã ngán ngại lắc đầu kể chuyện đưa nước máy về các xóm nghèo, xóm mồ của thị trấn Thuận An. Số là nhiều gia đình ở các khu xóm huyệt mộ lâu nay vẫn quen dùng giếng khoan sát bên mồ mả. Khi nước máy kéo về, dân xóm mồ tỏ thái độ dửng dưng, chê nước máy chứa nhiều chất hóa học, nặng mùi hôi (clo) chứ không ngon và nguyên chất như nước giếng khoan từ lòng đất gần các khu nghĩa địa dày đặc mồ mả (!). Kể ra, cũng thấy thêm một sự lạ.

Ngọc Văn

http://www.tienphong.vn/Phong-Su/541963/Song-lau.html