THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 June 2011

Đốt rác bệnh viện: Dân bức xúc, ném đá


22/06/2011 13:52:58
 - "Xu hướng chung của thế giới là không sử dụng các lò đốt rác thải y tế nữa. Nhiều nước châu Âu bây giờ cấm việc đốt chất thải, thải khí lò đốt trực tiếp ra môi trường.", ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế nhận định.

Viện phí chưa bao gồm phí xử lý rác thải

Thưa ông, rác thải y tế ở các thành phố lớn ở Việt Nam hiện được xử lý như thế nào?

Hiện tại, khoảng 95% rác thải y tế ở các bệnh viện được thu gom, trong đó 70% số rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt trong các lò đốt. Ngoài ra, một lượng rác thải y tế khác được xử lý bằng hình thức đốt bằng lò thủ công hoặc chôn lấp, chủ yếu ở tuyến huyện.

Vậy hoạt động của các lò đốt rác y tế có hiệu quả cao không?

Hầu hết các lò đốt này không có bộ phận lọc xử lý, các chất hóa học độc hại thải ra môi trường khi đốt chất thải y tế. Điều này dẫn đến những hậu họa nghiêm trọng, đặc biệt là các chất khó phân hủy (POPs), chất nguy hại cho sức khỏe, chất  gây ung thư như dioxin, furan vvv.

Lò đốt chất thải ở các bệnh viện chủ yếu do các địa phương tự mua về hoặc được các dự án viện trợ nên rất khác nhau về công nghệ lẫn xuất xứ nên gặp khó khăn trong công tác bảo hành, sửa chữa, thay thế phụ tùng. Một vấn đề lớn hiện nay là hầu hết lò đốt rác ở các bệnh viện có công suất lớn so với số lượng rác nguy hại thải cần xử lý, nên vài ngày mới có thể tiến hành đốt rác một lần. Mỗi lần đốt như vậy lại phải tiến hành quy trình đốt lại từ đầu, tiêu tốn nhiều năng lượng do đốt không liên tục.

Nhiều bệnh viện huyện mua lò đốt rác về nhưng lại thường để đấy mà không sử dụng bởi hàng tháng chi phí phải bỏ ra để vận hành các lò đốt này là rất lớn, bao gồm: tiền dầu, điện, thuê nhân công. Điều này rất khó giải quyêt vì nhiều bệnh viện không có nguồn thu, không có đủ kinh phí vận hành lò đốt. Trong khi đó, chi phí xử lý rác thải không được tính vào  trong viện phí.
Ông  Nguyễn Huy Nga.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng cục quản lý môi trường y tế. Ảnh: griffith.edu.au.
 
Đốt rác bệnh viện: Dân bức xúc, ném đá

Các bệnh viện ở nước ta thường ở gần khu dân cư, vậy quá trình xử lý rác thải y tế ở các bệnh viện này có gây bức xúc cho dân cư không?

Hiện tượng này cũng đã xảy ra, đặc biệt là các bệnh viện ở qúa gần khu đông dân do quá trình phát triển đô thị không có quy hoạch.
 
Một số bệnh viện nằm cạnh khu dân cư có lò đốt không đạt tiêu chuẩn xả ra khói đen và mùi khó chịu từ quá trình xử lý khiến dân phản ứng như bao vây bệnh viện hoặc ném đá vào lò đốt để yêu cầu ngừng đốt. Hơn nữa là ở địa phương, mỗi tỉnh thường có một bệnh viện đa khoa và một số bệnh viện chuyên khoa cùng trên một khu vực,  nằm gần nhau nhưng mỗi bệnh viện lại có có lò đốt rác riêng mà chưa có sự phối hợp để cùng xử lý chất thải.

Có quy chuẩn nào để đánh giá chất lượng các lò rác thải y tế không ạ?

Ở nước ngoài, các lò đốt rác y tế  đều bắt buộc phải có hệ thống lọc xử lý khói thải ra, nhưng chi phí rất đắt. Ở Việt Nam, nhiều khi  việc mua lò đốt phần lớn không phải là do bệnh viện mà lại là đơn vị khác, đôi khi lại là hàng viện trợ thông qua các dự án nên lãnh đạo bệnh viện cũng không có quyền lựa chọn công nghệ và quyết định chất lượng của lò đốt. Đánh giá lò đốt đạt hay không đạt tiêu chuẩn khí thải cũng khó vì một mẫu xét nghiệm các chất như dioxin phải  đem đi nước ngoài phân tích và tiêu tốn hết khoảng hơn 2.000 USD một mẫu.

Lò đốt rác y tế: Sắp hết thời

Rác thải y tế được xem là độc hại, vậy theo ông các bệnh viện ở  ta nên xử  lý theo hướng nào?

Khoảng 80% rác thải y tế  nguy hại có tính lây nhiễm cao và có khả năng gây bệnh truyền nhiễm. Biện pháp xử lý loại rác chứa mầm bệnh này không  nhất thiết phải đốt mà nên theo hướng sử dụng các công nghệ tiệt trùng chuyển rác thải nguy hại thành rác thường, đồng thời làm giảm thể tích rác thải cần xử lý, sau đó đem xử lý giống như rác thải  đô thị bình thường.

Vậy các nước phát triển xử lý rác thải y tế như thế nào?

Hiện tại nhiều nước phát triển sử dụng công nghệ vi sóng hay kết hợp vi sóng và hơi nước bão hòa để tiêu diệt mầm bệnh và biến rác y tế nguy hại thành rác thường và sau đó đem đi xử lý như rác thường. Rác thải chứa vi trùng như bông băng, gạc thì hoàn toàn có thể xử lý sạch. Còn hóa chất  nguy hại, dược phẩm, các bộ phận cơ thể không xử lý được bằng vi sóng thì có hệ thống xử lý riêng hoặc đem chôn. Ở Pháp đã có khu xử lý rác thải y tế chung cho cả một thành phố bằng phương pháp sử dụng lò vi sóng công suất lớn tới 3000 tấn một năm.

Xu hướng chung của thế giới là không đốt rác thải y tế  nữa. Nhiều nước châu Âu bây giờ cấm việc đốt chất thải, thải khí trực tiếp ra môi trường. Ngay ở Phillipines, người ta cũng phản đối các lò đốt chất thải y tế.

Ông Nguyễn Huy Nga là Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế , Giáo sư tại trường Đại học Griffith (Australia) và Trưởng khoa Sức khỏe môi trường,Vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp của Đại học Y tế Công cộng Hà Nội.

Ông nguyên là Cục trưởng cục Y tế dự phòng và môi trường của Bộ Y tế. Từ ngày 1/5/2011, Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế được thành lập chính thức đi vào hoạt động ông được bổ nhiệm vị trí Cục trưởng.

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế có cơ quan quản lý chuyên trách về môi trường.

Bệnh viện ở nước ta đã áp dụng phương pháp này vào xử lý rác y tế chưa ạ?
 
Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện dầu khí Vũng Tàu và một số cơ sở y tế khác đã sử dụng phương pháp này.  Công suất của lò vi sóng này có thể  xử lý được tới 30-40 kg rác trong một giờ, tiêu tốn ít năng lượng điện và không phát sinh ra khí thải.
 
Theo ông, khi nào các bệnh viện ta thực hiện được việc xử lý rác y tế từ đốt thành không đốt rác thải?
 
Vấn đề này rất khó vì kinh phí đầu tư ban đầu cho lò xử lý vi sóng tương đối cao. Hi vọng dần dần chúng ta sẽ thay thế được công nghệ đốt rác thải, và nếu có sự đầu tư kinh phí đầy đủ thì năm 2020 chúng ta sẽ không mua mới các lò đốt rác nữa.
 
Trên thế giới, nhiều nước áp dụng mô hình xử lý rác thải tái tạo năng lượng (Waste to Energy - WtE)...
 
Trong y tế, hệ thống WtE ở Việt Nam chưa được áp dụng. Tuy nhiên tôi từng qua Nhật Bản và thấy ở đây họ làm tốt mô hình WtE, lấy rác thải đem đốt và tận dụng nhiệt dùng để đun nước nóng sưởi ấm cho bệnh viện hoặc cả  thành phố. Ở các xứ lạnh họ rất cần nguồn nước nóng và năng lượng để sưởi ấm thì đây cũng là mô hình tốt.
 

 

Chất thải rắn y tế được xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt

Hiện nay, 95,6% chất thải rắn y tế đều được phân loại, thu gom và gần 80% chất thải rắn y tế được xử lý. Mỗi ngày có khoảng 40 tấn rác thải y tế nguy hại  được phát sinh từ các cơ sở y tế. Ước tính mỗi năm, lượng rác thải y tế nguy hại gia tăng thêm khoảng 1.000 tấn. Tỷ lệ gia tăng chất thải rắn y tế phụ thuộc vào số giường bệnh, tình hình thực hiện các kỹ thuật y tế và sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế.

Theo báo cáo năm 2010, cả nước có 253 lò đốt hai buồng, 128 lò đốt một buồng. Trong đó lò đốt nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao; đa số các lò đốt chưa có hệ thống xử lý khí thải, công suất lò đốt sử dụng chưa hợp lý, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả sử dụng chưa cao.

Tại Việt Nam, chất thải rắn y tế được xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt. Trong đó: 35,9% bệnh viện xử lý bằng lò đốt tại chỗ 1 buồng hoặc 2 buồng; 12,3% bệnh viện thiêu đốt bằng lò đốt thủ công (chủ yếu bệnh viện huyện/bệnh viện chuyên khoa khu vực miền núi); 37,2% bệnh viện thuê công ty môi trường xử lý. Đối với các Trung tâm y tế dự phòng thì khoảng 17% sử dụng lò đốt thủ công để xử lý chất thải rắn y tế.

Đắc Thành

 
 
Ngày 30/6/2011, tại Hà Nội, Hội bảo vệ môi trường và thiên nhiên Việt Nam phối hợp với TCT Cổ phần Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam Vinaconex tổ chức Hội thảo "Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng (WtE) - Khả năng triển khai tại Việt Nam".

Dự kiến hội thảo sẽ quy tụ khoảng 150 nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải, năng lượng...

Quý vị quan tâm có thể đăng ký nhận thư mời theo số điện thoại: (04) 38544511, email: hoithao-wte@bee.net.vn.

 Trịnh Dũng - Ngọc Ánh