THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 June 2011

TỔN THẤT CỦA VIỆT NAM TRONG TRẬN PHẢN CÔNG NĂM 1984

Phạm Viết Đào




NHẰM CHIẾM LẠI CÁC CAO ĐIỂM 1509 TẠI THANH THỦY, HÀ GIANG BỊ TRUNG QUỐC CHIẾM GIỮ…

- Việt Nam đã thất bại trong trận này do đã bị phản bội bởi một sĩ quan cao cấp trong Cục Quân báo Việt Nam; tên này đã bán thông tin chi tiết về kế hoạch hành quân tái chiếm Núi Đất (Cao điểm 1509) cho tình báo Trung Quốc?  (Thông tin từ phía Nhật Bản)...


- Một người lính tên là Nguyễn Văn Nam thuộc Sư đoàn 313 của Việt Nam, trước khi bị phía Trung Quốc đẩy xuống hố thiêu sống, anh đã gửi lại 1 cuốn nhật ký cho 1 người lính Trung Quốc tên là Vương Hoàn Hải; hiện cuốn nhật ký đó đang được anh trai của Vương Hoàn Hải giữ và anh ta mong muốn trả lại cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nam. Ảnh chụp anh trai Vương Hoàn Hải cầm trong tay cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam.


Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng bảy dương lịch, tức ngày 13-14 tháng 6 âm lịch, gia đình tôi lại làm giỗ thắp hương cho chú em là liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, đã hy sinh trong trận tiến đánh các cao điểm bị Trung Quốc chiếm tại Thanh Thủy,Vị Xuyên, Hà Giang…Dịp này, gia đình tôi vẫn thường nhận được sự thăm hỏi của bà con, bạn bè nhất là đồng đội cũ của chú em tôi. Nhất là sau khi tôi đưa lên mạng bài viết:Tôi đưa linh hồn em trai tôi-liệt sĩ Phạm Hữu Tạo từ Hà Giang về quê…thì hàng năm có thêm nhiều thư từ gửi tâm nhang tới gia đình tôi vào dịp này.

Năm nay, tôi cũng đã nhận được nhiều thư thăm hỏi của một số bạn, trong đó đặc biệt có thư của minhsondtyb đồng đội cùng trung đoàn 876 sư 356 và với em trai tôi và bạn Hà Minh Thành từ Nhật Bản gửi về…

Tôi xin thay mặt gia đình cảm tạ sự quan tâm của bè bạn còn nhớ tới em trai tôi, liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, một trong những liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ bỡ cõi, biên cương của Tổ Quốc.

Tôi xin được trích đưa bức thư của bạn Hà Minh Thành gửi cho tôi, đây là bức thứ có nhiều thông tin đáng suy ngẫm, bức thư góp phần nhắc mọi người nhất là các cơ quan chứ năng cần phải nhớ tới những người con của đã quyên thân mình chiến đấu bảo toàn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc…

THƯ CỦA BẠN HÀ MINH THÀNH- NHẬT BẢN GỬI CHO CHỦ BLOG PHẠM VIẾT ĐÀO




Chào anh Đào!
Em là Hà Minh Thành, ở Nhật xin gửi tặng anh Đào một số hình ảnh về núi Đất bây giờ đã thuộc về Trung Quốc sau hiệp định hoạch định biên giới; tên mới của Trung Quốc bây giờ là Lão Sơn mà em đã chụp vào tháng 12 năm ngoái. Khu vực này hiện tại vẫn còn được xem là khu vực quân sự trọng yếu do quân đội Trung Quốc quản lý. Dĩ  nhiên ngoài những chỗ họ cho phép thì hầu như họ cấm chụp ảnh, quay phim với lý do có rất nhiều mìn. Em đã lén chụp ở khu vực chôn các liệt sĩ VN , anh xem trong các tấm hình có một hình em ngồi ở bên cạnh một cái hố , trên đó có nhiều phiến đá vuông (hình số 17). 


Ông Vương Hoàn Hải một sĩ quan Trung Quốc từng tham gia cuộc chiến đó đã cho em biết đó là nơi chôn các binh sĩ Việt Nam bị chết trong trận đó. Ông ta vô tình kể một chi tiết là sau khi chiếm được Núi Đất thì họ thu gom hài cốt binh sĩ cả 2 bên, thi thể lính Trung Quốc thì họ đưa về phía sâu bên Trung Quốc cách đó 10km và làm nghĩa trang liệt sĩ , còn thi thể của các liệt sĩ VN cũng như các thương binh nặng nhẹ, các tù binh bị tập trung xử bắn hàng loạt tại chỗ không phân biệt đã chết hay còn sống, họ liệng xuống cái hố đó và nhờ lực lượng Hóa học đốt, sau đó thì cho xe ủi lấp.

Ông ta nói rằng không nhớ chính xác nhưng trong cái hố đó có khoảng 3700 xác binh sĩ VN. Cho đến ngày hôm nay ông ta và các đồng đội vẫn còn ám ảnh tiếng kêu gào của các thương binh VN trong biển lửa khi hỏa thiêu họ. Em đã không cầm được nước mắt và quỳ xuống cảm tạ trước ngôi mộ hoang tàn mà trong đó có thể có thi thể của anh Tạo em của anh, một người bằng tuổi của em đã Vị quốc vong thân. 


Hy vọng anh Đào với tiếng nói của một nhà văn hãy kêu gọi chính phủ VN phải bằng mọi giá quy tập hài cốt của các liệt sĩ mình cho họ trở về quê hương và gia đình. Nếu không làm được thì cũng nên vinh danh những người anh, người con đã ngả xuống để bảo vệ lãnh thổ trong cuộc chiến không cân sức, để đỡ tủi thân những người đã khuất cũng như gia đình họ…

Theo thông tin đoàn làm phim thu thập được thì trong trận chiến đó, phía Việt Nam đã thất bại do đã bị phản bội bởi một sĩ quan cao cấp trong Cục Quân báo Việt Nam, tên này đã bán thông tin chi tiết về kế hoạch hành quân tái chiếm Núi Đất cho tình báo Trung Quốc. 

Rất tiếc cho đến lúc này, chính phủ VN và Bộ Quốc Phòng Việt Nam vẫn chưa hồi âm cho phép đoàn làm phim của đài TBS phỏng vấn các sĩ quan, binh sĩ và dân chúng VN  để bộ phim phóng sự có một góc nhìn trung thực từ cả hai phía. Theo em đây là một cơ hội để phía VN lên tiếng cho thế giới biết Trung Quốc đã xâm chiếm lãnh thỗ của mình.

Trong phạm vi khả năng của em thì em cố gắng dịch, sưu tầm các tài liệu  và hướng cho đạo diễn Bành Trung Nghĩa làm phim theo một góc nhìn trung thực, không thiên vị phía Trung Quốc, vì dù sao ông ta cũng là người gốc Hoa.

Trong khi chính quyền Lạng Sơn thì cho Trung Quốc vào tảo mộ liệt sĩ của họ còn hài cốt của liệt sĩ VN còn ở núi Đất thì lại im lặng và bị lãng quên…

TÁI BÚT: Hà Minh Thành trao đổi thư từ qua mạng với tôi sau loạt bài tôi viết trên Website Hội Nhà văn VN, tôi viết về vụ án nhận hối lộ của Huỳnh Ngọc Sĩ và vụ 1 phi công Việt Nam chở hàng ăn cắp từ Nhật bản về.Hà Minh Thành đã cung cấp cho tôi một số tin quan trọng liên quan tới vụ án, anh cho biết: anh là người tham gia dịch rất nhiều tài liệu của vụ án hối lộ CPI.

Anh còn cung cấp một số thông tin về một số việc làm nhem nhuốc của một số cơ quan ngoại giao Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Tôi đã tham mưu cho Chủ tịch Hội Nhà văn VN chuyển các thông tin do Hà Minh Thành cung cấp cho các cơ quan chức năng (Ban phòng chống tham nhũng TW) của Việt Nam để giải quyết…

Từ khi tôi mở Blog riêng, Hà Minh Thành thường có nhiều comment và thư trao đổi với tôi. Tôi coi Hà Minh Thành là một trong những bạn tâm giao trên mạng, mặc dù chưa từng gặp và quen anh.

Còn nguyên nhân Thành cung cấp thông tin trên là do: sau khi đọc bài tôi viết về em trai tôi, Thành cho biết đạo diễn truyền hình Nhật Bản Hãng TBS là ông Bành Trung Nghĩa, người gốc Hoa muốn làm một bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung. Ông Bành Trung Nghĩa cũng có một người em là lính Trung Quốc đã tham gia cuộc chiến tranh này và đã tử trận. Do vậy, ông rất muốn sang Việt Nam để quay phim, lấy thêm hình ảnh, tài liệu, làm việc với các nhân chứng phía Việt Nam trong đó có tôi vì ông và tôi đều mất người thân vì cuộc chiến này. Tôi đã trả lời với ông Bành Trung Nghĩa qua giới thiệu của Hà Minh Thành là sẵn sàng hợp tác với Đoàn làm phim Nhật Bản để làm bộ phim này nhằm mục đích: giúp cho thể giới hiểu đúng bản chất của cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam. Cần phải làm mọi cách để thế giới hiểu đúng đất nước và con người Việt Nam nhiều đời này luôn muốn có quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, để được yên ổn làm ăn. Không một người dân Việt Nam yêu nước, lương thiện nào lại muốn gây sự với Trung Quốc; nhưng người Việt Nam cũng chẳng bao giờ chịu khuất phục Trung Quốc hay bất kỳ thế lực ngoại bang nào.

Hiện nay phía Việt Nam hình như chưa cho phép Đoàn làm phim của ông Bành Trung Nghĩa thực hiện bộ phim này, mặc dù năm 1979, một phóng viên của Nhật Bản hình như của Hãng NHK đã hy sinh trong khi quay phim tại chiến trường Lạng Sơn. Chi tiết này đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh tái hiện lại trong bộ phim truyện Thị xã trong tầm tay…

Còn phía Trung Quốc thì đã chấp nhận cho Đoàn làm phim của ông Bành Trung Nghĩa thực hiện quay phim, lấy tài liệu trên đất Trung Quốc.Thông tin, ảnh mà Thành viết cho tôi là do khi anh tham gia gia Đoàn làm phim này chụp được.

Theo cá nhân tôi, các cơ quan chứ năng Việt Nam nên chấp nhận để Đoàn làm phim Nhật Bản được sang Việt Nam làm bộ phim này. Đến thời điểm hiện nay mà chúng ta lại vẫn chưa dám ngửa bài ra với Trung Quốc, Nhật Bản và thế giới trong các quan hệ giữa mình với Trung Quốc thì còn đợi đến bao giờ? Tại sao Trung Quốc người ta đã ngửa bài ra còn Việt Nam lại úp bài lại?

Phải chăng chúng ta chưa đủ sự tự tin hay còn có những khoảng tối, góc khuất nào đó nên nếu ngửa bài ra không tiện cho ai đó chăng?

Quan hệ với thế giới bên ngoài mà yếu bóng vía như vậy thì làm sao thế giới người ta bắt tay, ủng hộ, người ta tin mình được?! Chúng ta đã từng chơi sòng phẳng, hiên ngang, ngang cơ với người Nhật, người Pháp, người Mỹ thì việc gì mà không sòng phẳng, hữu nghị được với Trung Quốc…

Nếu chúng ta không dám ngửa bài ra trong vụ tranh chấp biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc thì có khi thế giới người ta lại nghĩ: Hoặc là Việt Nam hèn, kém hoặc là Việt Nam cũng nhập nhèm, chơi bẩn với ông anh Trung Quốc nên mới bị ông anh trị cho là đáng đời???

Những người đang chịu trọng trách về các quan hệ đối ngoại của đất nước nên có bản lĩnh và tầm nhìn đó. Thế giới ngày nay không ai người ta lại bắt tay, chơi với bọn hèn kém và bẩn tướng cả!
P.V.Đ 


SAU KHI BÀI NÀY ĐƯỢC ĐƯA LÊN MẠNG, HÀ MINH THÀNH ĐÃ GỬI CHÚ THÍCH NHỮNG BỨC ẢNH MÀ ANH ĐÃ GỬI CHO TÔI:

Anh Đào kính mến
Xin lỗi anh vì bận quá nên đã không chú thích các tấm hình em chụp ở Núi Đất cho anh được. Em tính chú thích trên blog của em nhưng mà không biết tại sao hình copy không vô blog được nên bây giờ em chú thích trên mail cho anh vậy. Các hình chắc anh còn và mỗi cái hình em có đánh số. Em giải thích theo số tên file của hình.
Hình số 5.  Đoàn làm phim được lữ đoàn 513 biên phòng Trung Quốc không vận vào núi Lão Sơn bằng 2 máy bay trực thăng.





Hình 1, 3, 7. Các hình ảnh núi Đất chụp từ trực thăng, trước khi vào núi Đất họ đã bay vòng phía trên không phận VN.



Hình 8, 9.  Người lính dẫn đường Trung Quốc giải thích trước 1984 thì lãnh thổ Trung Quốc tới chân cái bia  đá này, bây giờ họ lời được cả dãy núi.

Hình 10. Hai cha con ông Vòng A Sỉn, nghe nói trước 1984 là người VN, một trong 4 hộ dân còn sống sót ở khu vực này. Nói tiếng Việt rất giỏi. Hy vọng được trở lại làm người VN tại núi Đất.

Hình 11. Mẹ của ông Vòng A Sỉn, bà cụ kể nghe đã giấu 4 thương binh VN trốn trong hốc đá sau nhà nhưng lính Trung Quốc bắt ra bắn trước cửa nhà bà rồi khiêng xác đi.



Hình 12, 13, 18, 21. Khu vực có mìn được phía VN gài đến nay vẫn chưa giải tỏa. Rất nguy hiểm. Nghe ông Vòng A Sỉn kể lâu lâu cũng có vài lính biên phòng Trung Quốc chết vì mìn còn sót lại của VN.

Hình 16. Cái bảng có đề bằng thứ tiếng Anh Việt Trung. "KHU GẦN QUÂN DỰ, CẤM TRÈO", chắc là anh Tàu nào viết tiếng Việt sai lỗi chính tả.

Hình 19. Một bà già gốc Việt cuốc rẫy ngay khu vực nghi còn có mìn. Nghe A Sỉn kể sau khi chiếm được vùng này thì lính Trung Quốc bắt dân gốc Việt đi làm rẫy tại các khu vực nghi là còn có mìn. Nhiều người chết lắm, còn sót 4 hộ là nhờ vào trời còn thương.

Hình 20. Bia kỷ niệm chiến trường. Từ tấm bia này chếch về bên phải 400m là cái hố chôn tập thể các liệt sĩ VN.

Hình 17.  Người trong hình là em nhờ một người Nhật chụp bằng ống Zoom ngay trên miệng hố chôn tập tể các anh hùng liệt sĩ VN. Vương Hoàn Hải sĩ quan Trung Quốc tại cứ điểm đó vô tình tiết lộ cái hố này chôn 3700 thi thể của Liệt sĩ VN, trong đó có cả thương binh và tù binh bị bắt và họ xử tử hết tại cái hố này. Sau đó thì công binh lên họ dùng hóa chất và xăng hỏa thiêu. Cái hố này họ cấm chụp hình nhưng mà em chạy ra nhờ tên bạn Nhật trong đoàn chụp đại, hình không rõ lắm.

Hình 25, 26. Anh trai của Vương Hoàn Hải, một người lính tham gia trận chiến Lưỡng Sơn đang kể lại cho đoàn làm phim tình hình cuộc chiến lúc đó. Trong cái bì xanh ông cầm là một cuốn sổ nhật ký của một người lính VN tên là Nguyễn Văn Nam thuộc sư đoàn 313 VN đưa cho ông trước khi bị các bạn của ông lùa vào hố để giết. Ông hy vọng có ngày sẽ tìm đến trao lại cho gia đình anh Nam đó nhưng không có cơ hội vì nghèo.
Nhân tiện xin anh vui lòng thắp giùm cho em một nén nhang trên bàn thờ anh Tạo hôm nay. Dù em là người miền Nam và gia đình đều là người đã từng ở bên kia chiến tuyến với các anh, nhưng là một người VN em xin kính cẩn tri ân gia đình anh Đào, tri ân anh Tạo đã ngả xuống hy sinh vì Tổ Quốc. Em hy vọng rằng tất cả hài cốt các anh em trong ngôi mộ khổng lồ hoang vu trên đỉnh Lão Sơn (có thể trong đó có anh Tạo) sẽ sớm được quy tập trở về với gia đình không phải bơ vơ lạnh lẽo, bị bỏ mặc bởi chính phủ cũng như  bị lịch sử cố ý lãng quên. Hy vọng sẽ có một ngày có những nhà viết sử can đảm sẽ tìm đến bên cột mốc chủ quyền xây bằng 3700 anh linh tại Núi Đất ghi lại những giờ phút oanh liệt và hào hùng của họ.

Chúc anh Đào và gia quyến vạn sự như ý. Hà Minh Thành  
.....

GIAO TRANH ĐẪM MÁU TẠI CAO ĐIỂM 1509 ( LÃO SƠN ) THANH THỦY, HÀ GIANG NĂM 1984
Tác giả: Nghiên cứu viên Nakamura Masanori
Hà Minh Thành dịch


Tài liệu nghiên cứu giảng dạy dành cho sinh viên sĩ quan của Tự vệ đội. Cục phòng vệ Nhật Bản-Đại học Phòng vệ.


Kế hoạch hành quân nhằm chiếm lại Cao điểm 1509 có mật danh là " MB84, thu hồi lãnh thổ" đã được vạch công phu. Tuy nhiên, cả tướng Văn Tiến Dũng và các cố vấn quân sự Liên Xô cũng không ngờ là họ đã bị bán đứng bởi một sĩ quan cao cấp phản bội?




Ảnh chân dung: Tướng Văn Tiến Dũng và Tướng Trung Quốc Dương Đắc Chí;
Đối thủ của nhau trong cuộc giao chiến tại Cao điểm 1509 ( Lão Sơn ) năm 1984...

Trận chiến Lão Sơn, (phía Việt Nam gọi là Cao điểm 1509), được xem là trận chiến đẫm máu, khốc liệt nhất trong vùng Á Châu gần đây nhất. Cuộc chiến nổ ra tại một căn cứ quân sự của Việt Nam tại điểm cao 1509 và điểm cao 1250, hai cao điểm này nằm dọc theo biên giới Việt Trung mà phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Để chiếm được 2 cao điểm này Giải phóng quân Trung Quốc đã tạo ra một cuộc xung đột võ trang với quy mô lớn. Lịch sử quân sự Trung Quốc gọi cuộc chiến chiếm 2 điểm cao này là Chiến dịch Lưỡng Sơn.

Trận chiến Lão Sơn bắt đầu vào ngày 2 tháng năm 1984 khởi màn bằng trận tấn công tổng lực bằng pháo binh vào căn cứ quân sự của quân đội Việt Nam. Cuộc giao tranh quân sự giữa quân đội 2 nước Việt Nam và Trung Quốc chia thành 3 giai đoạn

  Giai đoạn 1 : Từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 15 tháng 4 năm 1984
  Giai đoạn 2 : Từ ngày 2 tháng 6 đến ngày 10 tháng 7 năm 1984
  Giai đoạn 3 : Từ ngày 12 tháng 7 đến ngày 14 tháng 7 năm 1984

Trận chiến kết thúc vào ngày 14 tháng 7 năm 1984 bằng một trận đánh cảm tử xáp lá cà (bạch binh chiến) của các binh sĩ Việt Nam. Phía Trung Quốc đã phản công bằng pháo binh và hỏa lực mạnh để tử thủ Lão Sơn. Sau trận chiến này, với số thương vong quá lớn, quân đội VN đã hoàn toàn bỏ cuộc. Lãnh thổ Việt Nam đã mất vùng núi Đất (Lão Sơn) vào tay Trung Quốc từ đó.

Sau hiệp định hoạch định biên giới Việt Trung thì 2 vùng núi này chính thức trở thành lãnh thổ của Trung Quốc.

1/ Tương quan lực lượng tham chiến :

Phía Trung Quốc 
Tướng chỉ huy : Dương Đắc Chí
Chiến lực: Quân đoàn 14, Quân đoàn 11,Quân đoàn 1, Tập đoàn quân 67, Tập đoàn quân 27, Tập đoàn quân 13.
Số binh sĩ thương vong : Bất minh (có nguồn thông tin cho biết khoảng 939 binh sử tử trận)

Phía Việt Nam 
Tướng Chỉ huy: Tướng Văn Tiến Dũng
Lực lượng tham chiến : Sư đoàn 313, Sư đàn 316, Sư đoàn 356 chính quy. Địa phương quân và dân binh.
Số binh sĩ thương vong : Bất minh (theo nguồn tin Trung Quốc thì có 3700 binh sĩ Việt Nam tử trận còn lại trên chiến trường. Dự đoán binh sĩ tử trận khoảng 4000 binh sĩ.

Theo nguồn tin của phóng viên chiến trường của NHK được biết chính xác là: trung đoàn 174 thuộc sư đòan 316 VN sau 10h giao tranh với sư đoàn 119 của Trung Quốc tại điểm cao 142, 149 thuộc khu vực Na Lập vào ngày 12 tháng 7 năm 1984, phía VN bị tử thương 300 binh sĩ tại mặt trận.

2/ Quá trình đưa đến sự giao tranh

 
Lính Trung Quốc bị bắn gục trên đỉnh 1509 
Trong suốt thời gian trước hoạch định biên giới Việt Trung thì Lão Sơn và Giả Âm Sơn được công nhận là lãnh thổ của Việt Nam. Lão Sơn với cao độ 1422.2mm so với mặt biển là một vị trí chiến lược quan trọng trong phối trí quân lực trong suốt lịch sử vệ quốc của người Việt Nam. Từ đây có thể giám sát con đường huyết mạch nối từ Hà Giang của Việt Nam sang Trung Quốc.

Năm 1979 trên đường tiến quân sang đánh Việt Nam, tướng Dương Đắc Chí tư lệnh quân khu Côn Minh đã chiếm vùng này. Sự tiến quân quá nhanh của Trung Quốc vào Việt Nam đã khiến tướng Dương Đắc Chí khinh địch và đánh giá thấp tướng Võ Nguyên Giáp một thiên tài quân sự của Việt Nam.

Trong một công điện báo công với Đặng Tiểu Bình, sau khi xâm nhập vào Việt Nam mà không bị tổn thất nhiều, tướng Dương Đắc Chí đã xin phép cho thêm một tuần nữa để tiến quân đến Hà Nội, bắt sống toàn bộ ban lãnh đạo Việt Nam. Phía Việt Nam, Tướng Võ Nguyên Giáp đã áp dụng nhuần nhuyễn chiến thuật: Dụ địch vào sâu nội địa; Cắt đứt quân viện hậu cần; Tổng phản công… một chiến thuật trong kinh nghiệm vệ quốc hàng ngàn năm qua của người Việt Nam đối với Trung Quốc.

Tướng Võ Nguyên Giáp với các lực lượng khinh binh và địa phương quân đã phá hủy toàn bộ các tuyến quân viện hậu cần của Tướng Dương Đắc Chí; hành động quân sự này khiến trên 500 chiến xe của Giải phóng quân Trung Quốc dưới quyền của tướng Dương Đắc Chí trở thành những cục sắt chết không hoạt động được trên chiến trường vì thiếu nhiên liệu và trở thành các điểm tác xạ của Địa phương quân VN.

Trước tình thế tan rã toàn bộ các quân đoàn tiến chiếm Việt Nam, tướng Dương Đắc Chí buộc phải cấp tốc xin lệnh rút binh về nước. Trên đường rút binh của tướng Dương Đắc Chí , quân đội Trung Quốc đã bị tổn thất nặng nề bởi sự truy kích bằng pháo binh của quân đội Việt Nam từ điểm cao 1509 này.

Có một kỳ tích về hành quân mà đến thời điểm này, các nhà phân tích về chiến lược quân sự cũng không hiểu bằng cách nào, chỉ trong vòng một thời gian ngắn chưa đầy 1 ngày, tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam có thể phối trí một lực lượng pháo binh mạnh tại Cao điểm 1509, một căn cứ có địa hình hiểm trở để có thể truy kích tận diệt các binh đoàn của Trung Quốc trên đường rút chạy khỏi VN. Mặc dầu Đặng Tiểu Bình tuyên bố đã dạy xong cho VN một bài học, nhưng trên thực tế thì có thể nói rằng gần như toàn bộ các quân đoàn của quân khu Côn Minh dưới quyền tướng Dương Đắc Chí đã hoàn toàn bị xóa sổ. 

Từ sau bài học về sự đại bại chiến dịch quân sự đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã phải đi đến quyết định cải cách lại quân đội theo hướng hiện đại hóa. Tướng Dương Đắc Chí được sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình đã nắm chức Tổng tham mưu trưởng kiêm Ủy viên Quân ủy Trung ương. Để phục hận về trận đại bại 5 năm về trước, để có thể kiểm soát không phận và uy hiếp tỉnh Hà Giang, cũng như làm bàn đạp để tấn công bình định Việt Nam trong tương lai, đồng thời nhằm khôi phục lại uy tín của quân đội đã xuống đến tận đáy, tướng Dương Đắc Chí đã lên kế hoạch chiếm lĩnh 2 điểm cao của vùng núi Lưỡng Sơn này.

3) Quá trình giao tranh

Ngày 2 tháng 4 năm 1984 quân độI Trung Quốc bắt đầu pháo kích đại quy mô vào điểm cao 1059 của Việt nam mở đầu cho trận giao tranh. Cuộc pháo kích kéo dài 26 ngày cho đến ngày 27 tháng 4 năm 1984

Ngày 28 tháng 4 qua thông tin tình báo biết được phía VN đang chuẩn bị thay quân tại điểm cao này. Vào lúc quân số của phía VN đồn trú ít nhất ở căn cứ 1059, tướng Dương Đắc Chí đã ra lệnh cho sư đoàn 40 và sư đoàn 49 thuộc Quân đoàn 14 quân khu Côn Minh bắt đầu tấn công căn cứ hiểm yếu này. Mặc dầu với số quân áp đảo là 2 sư đoàn, nhưng trước sự thiện chiến và quả cảm của lực lượng nhỏ quân đội Việt Nam đóng tại đó, phía Trung Quốc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Phải sau 18 ngày chiến đấu, quân đội Trung Quốc mới chiếm lĩnh được một phần của Lão Sơn và Giả Âm Sơn vào ngày 15 tháng 5 năm 1984.

Ngày 12 tháng 6 đến ngày 7 tháng 10 năm 1984 được xem là giai đoạn giao tranh thứ 2, quân đội VN đã cố gắng tổ chức tái chiếm lại Lão Sơn, trong giai đoạn giao tranh này, thương vong phía Việt Nam không xác định được, nhưng phía Trung Quốc thì 2 đại đội có nhiệm vụ tử thủ căn cứ này đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Phía Việt Nam tạm thời chiếm lại Lão Sơn.

Rút kinh nghiệm từ lần giao tranh này, tướng Dương Đắc Chí đã cho sử dụng hỏa tiễn liên trang để đối kháng và sau đó dùng bộ binh tái chiếm căn cứ. Đối lại quân đội VN dùng súng cối và vũ khí hạng nhẹ, lưỡi lê với cách đánh cận chiến cảm tử bám sát vào quân đội Trung Quốc để đánh nhằm giảm nguy cơ thương vong vì hỏa tiễn đã gây thương vong khủng khiếp cho cả lực lượng hai bên. Tuy nhiên trước sự áp đảo về lực lượng và vũ khí của Trung Quốc, phía Việt Nam đã chịu thất bại trong nỗ lực phòng thủ căn cứ. Sau trận giao tranh này Trung Quốc chiếm được cao điểm 1509.

4/ Giai đoạn 3 của cuộc giao tranh

Bắt đầu từ ngày 12 tháng 7 đến ngày 14 tháng 7. Được thông tin tình báo chính xác từ một sĩ quan cao cấp trong Cục quân báo Việt Nam, tướng Dương Đắc Chí đã nắm rõ toàn bộ kế hoạch hành quân tái chiếm căn cứ của VN. Bằng cách bố trí pháo binh mạnh và hỏa tiễn đa liên tranh tập trung vào các điểm quân đội Việt sẽ tập kết bên mạn sườn núi ở cao độ 500 và 800, quân đội Trung Quốc chỉ còn chờ đợi quân đội Việt Nam bước vào cửa tử bằng trận địa bao vây bằng hỏa tiễn và pháo.

Phía Việt Nam lần này với sự trợ giúp của các cố vấn quân sự Liên Xô và trực tiếp tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy, lực lượng tấn công đã tổ chức nghi binh nhằm đánh lạc hướng theo dõi của tình báo Trung Quốc bằng cách: chọn ra 6 trung đoàn từ các sư đoàn 313, sư đoàn 316, sư đòan 356.

Lính Trung Quốc đứng cạnh những người lính Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì đất nước

Kế hoạch hành quân nhằm chiếm lại Cao điểm 1509 có mật danh là " MB84, thu hồi lãnh thổ" đã được vạch công phu. Tuy nhiên, cả tướng Văn Tiến Dũng và các cố vấn quân sự Liên Xô cũng không ngờ là họ đã bị bán đứng bởi một sĩ quan cao cấp phản bội ?

Ngày 12 tháng 7 năm 1984, 6 trung đoàn quân Việt Nam lần lượt tập kết vào các địa điểm đã được tướng Dương Đắc Chí đợi sẵn ở cao độ 500 và 800 bên dưới cao điểm 1059.

5 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 12 tháng 7 quân đội VN bắt đầu men theo triền núi để tổng công kích và trận pháo kích bao vây tận diệt của tướng Dương Đắc Chí cũng bắt đầu. Sau 17 tiếng đồng hồ pháo kích tập trung vào các điểm đã biết trước dựa theo kế hoạch hành quân mang tên MB84 của Việt Nam, tướng Dương Đắc Chí hoàn toàn đại thắng. Quân đội VN buộc phãi rút lui với số liệu thương vong do phía Trung Quốc công bố: khoảng 3700 thi thể binh sĩ Việt Nam đã bị bỏ lại trên đỉnh Lão Sơn…

Hiệp định ngưng chiến 1990, phiá VN nhượng 600 km² cho Trung Quốc...


Các cựu chiến binh Trung Quốc tham dự trận đánh Núi Lão Sơn (đỉnh núi 1509)

chụp hình lưu niệm trên đỉnh Núi Lão Sơn... nay thuộc về Trung Quốc...