THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 February 2011

Chuyện hai ông Thủ tướng bạn của tôi


Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Abhisit Vejjajiva (phải) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Hôm qua khi đang dạo trên mạng Facebook, thì một anh bạn PM hỏi tôi rằng "Anh có thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không?", khi ấy tôi cũng hỏi lại hoàn toàn theo phản xạ "Có gì không anh?". Khi ấy người bạn mới cho biết hình như anh ta đã bị Thủ tướng cho out khỏi danh sách bạn bè, câu cuối anh bạn còn nói vui "Để tôi thông báo tin tìm Thủ tướng". Sau đó ngồi tôi mới nghĩ lại, trong số mấy trăm bạn bè của mình trên mạng xã hội Facebook mình có 2 ông bạn làm Thủ tướng, một là ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Việt nam và người thứ 2 là ông Abhisit Vejjajiva – Thủ tướng của Vương quốc Thái lan. Nghe oai chưa, để hôm nào có dịp về quê chơi tôi sẽ kể chuyện này cho mấy ông bà ở quê nghe chắc họ mừng cho tôi là con cháu của họ quen những hai ông làm to tới chức Thủ tướng. Vì họ có biết mạng xã hội Facebook, Muntiply… là cái gì đâu?

Nghĩ vế sự ra đời và phát triển của Facebook cũng hay, đúng là thế giới phẳng đã giúp cho sự liên kết giũa các cá nhân thật dễ dàng, bất kể ngừoi đó là ai, ở đâu hay đảm trách công việc chức vụ gì? Mọi ranh giới đều bị xóa bỏ, khi anh muốn kết bạn với tôi hay tôi muốn kết bạn với ai cũng chỉ thông qua các cú click con chuột và trong một thời gian ngắn thì sự liên kết sẽ được kết nối tùy theo chủ quan của bên được mời.

Tôi còn nhớ với ông Thủ tướng Thái lan Abhisit Vejjajiva thì tôi là người chủ động kết bạn với ông ta, khi ấy hình như là giữa năm 2010 lúc mà phong trào biểu tình của phe Áo đỏ đang dâng cao ở thủ đô Bang kok vì. Tôi vốn là người hâm mộ ông Abhisit – Chủ tịch đảng Dân chủ Thái lan, tôi lo lắng cho sự nghiệp chính trị của ông ta đang ở thế ngàn cân treo sơi tóc giữa ra đi và ở lại trong chức vụ Thủ tướng là 50/50. Vì tôi hiểu tâm lý của người Thái lan, trong hoàn cảnh như vậy họ cần sự ủng hộ về mặt tinh thần để củng cố lòng tin. Còn với ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì tôi là người đựoc mời kết bạn từ phía Thủ tướng, khi ấy tôi không nghĩ người có nick name Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các thông tin cụ thể: "Nguyễn Tấn Dũng – Đang là Thủ Tướng Chính Phủ tại chính phủ việt nam. Sống tại Ha Noi, Vietnam. Đến từ Ap Binh Yen, Cà Mau, Vietnam. Sinh ngày 17 tháng 11 1949″ là người thật, việc thật. Mà khi ấy tôi nghĩ rằng đó chỉ là một anh bạn tinh nghịch nào đó dùng cái tên và chức danh của Thủ tướng mà thôi. Mà nguyên tắc của tôi là thêm bạn sẽ bớt thù, có thêm một người bạn trên mạng xã hội cũng là thêm một bạn đọc cho mình chả mất mát gì vì thế tôi chấp nhận kết bạn với ông Thủ tướng.

Gọi là bạn bè trên mạng ảo, nó khác với bạn bè ở đời thường đó là mình sẽ bị nhận những tin tức hay các suy nghĩ mà họ (bạn bè) quan tâm bất kể là mình muôn hay không muốn. ông Thủ tướng Thái lan còn đỡ, chắc vì lý do công việc nên lâu lâu tôi mới thấy ông ta xuất hiện trên Facebook và thấy ông ta hay bàn về chuyện bóng đá của giải ngoại hạng Anh, mà đội ông ta hâm mộ là đội bóng của thành phố Newcastle, nơi thời tuổi trẻ ông Abhisit đã sống và học tập. Đặc điểm của ông Abhisit là hay tham gia trả lời những câu hỏi liên quan đến các vấn đề mà nhiều người quan tân, bất kể là lĩnh vực gì, dù là chính tri, kinh tế, xã hội hay thể thao văn hóa và luôn giữ vững quan điểm và khuyến khích sự minh bạch trong mọi vấn đề để ai cũng có thể kiểm tra, kiểm soát Điều đó khác hẳn với ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là trên Facebook hàng ngày ông Dũng rất chịu khó chia sẻ tin túc từ báo chí trong nước với số lượng khá lớn và đặc biệt là hầu như không thấy Thủ tướng lên tiếng cùng bạn bè của mình. Điều đó cũng đã khiến tôi sinh nghi vì công việc thì quỹ thời gian hạn hẹp của một vị Thủ tướng không cho phép ông ta làm những chuyện không cần thiết đó. Tôi phỏng đoán có lẽ trang đó là của Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng thật, nhưng ông ta giao cho một cá nhân nào đó đảm trách với mục đích để PR cho cá nhân mình cũng hợp thời và theo kịp trào lưu sử dụng mạng xã hội Facebook. Và một điều tôi thắc mắc là không biết Thủ tướng làm thế nào để vào trang mạng Facebook đang bị chặn ở Việt nam, không lẽ ông ta cũng phải trèo tường lửa giống nhân dân bọn tôi?

Được biết hai ông bạn Thủ tướng của tôi cũng có hoàn cảnh xuất thân và tiến thân khác nhau một trời một vực. Một người xuất thân từ một dòng họ có tên tuổi ở Thái lan, đã sinh năm 1964 tại thành phố Newcastle, Anh, học sinh trường Eton, được sống từ nhỏ trong một môi trường xã hội dân chủ ở nước Anh cho tới khi tốt nghiệp ngành Chính trị học, triết và kinh tế học (PPE) ở Đại học Oxford là một trong những viện đại học danh tiếng nhất thế giới. Sau đó trở về nước giảng dạy ở Học viện Quân sự Hoàng gia Chulachomklao, lấy bằng thạc sĩ ở Anh, quay về Thái dạy kinh tế học ở Đại học Thammasat, học về luật ở Đại học Ramkhamhaeng.Năm 1992, gia nhập Đảng Dân Chủ, chính đảng lâu đời nhất Thái Lan. Năm 2001, Abhisit Vejjajiva chạy đua làm lãnh đạo Đảng Dân Chủ nhưng thất bại. Năm 2005, ông được bầu làm người đứng đầu Đảng Dân chủ. Ngày 15 tháng 12 năm 2008, ông được bầu làm thủ tướng thứ 27 của Thái Lan với số phiếu 235 phiếu trong khi đối thủ của ông, Pracha Promnok thuộc đảng Puea Paendin được 198 phiếu và ông cũng là thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này. Đựoc biết, ngay sau khi ông Abhisit được bầu làm thủ tướng, khoảng hơn 200 người đã biểu tình đã tập trung chặn cổng Quốc hội để phản đối ông. Đây là những người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, lực lượng tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình trong thời gian tới để phản đối chính phủ do đảng Dân chủ cầm quyền

Còn ngược lại, so với ông Abhisit Thủ tướng Thái lan thì người bạn Thủ tướng thứ 2 của tôi là ông Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949, việc xuất thân và tiến thân cũng khác nhau đặc biệt là về trình độ học vấn và ý thức chính trị. Ông Dũng ít có thời gian để đi học vì gia nhập Quân đội từ năm 12 tuổi vào đúng ngày sinh nhật thứ 12 của mình (17 tháng 11 năm 1961), thiếu niên Nguyễn Tấn Dũng tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm công tác văn thư, liên lạc, cứu thương, y tá, y sĩ. Rồi được sự quan tâm đặc biệt chỉ trong vòng 30 năm (1975-2006) từ một thượng úy ông Dũng đã trải qua nhiều trọng trách của nhà nước, như Thứ trưởng Bộ nội vụ, UVTƯ Đảng CSVN, UV Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN, Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ mà không hề có một sự thi đua cạnh tranh của bất kỳ đối thủ nào cả. Cũng có lẽ vì lý do này mà ông Thủ tướng Dũng đã thiếu ý thức dân chủ và có nhiều biểu hiện độc tài, coi thường quần chúng nhân dân trong công tác lãnh đạo, thể hiện qua các chỉ thị, nghị định hay các văn bản dưới luật đa phần là vi hiến.

Tôi thích và hâm mộ ông Abhisit Vejjajiva vì ông ta luôn tôn trọng và coi trọng quần chúng nhân dân, những người đã góp lá phiếu của mình cho sự thành đạt trong con đường chính trị, nhưng quan trọng hơn là ý thức tôn trọng sự minh bạch trong mọi vấn đề. Với ông Abhisit luôn luôn coi trọng và đề cao sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan liên quan trong công việc điều hành của chính phủ. Một việc làm mà tôi có ấn tượng nhất của các Thủ tướng nước Thái, không chỉ thời của Thủ tướng Abhisit mà có từ các vị Thủ tướng tiền nhiệm của ông ta đó là chương trình truyền hình kéo dài 90 phút mỗi sáng chủ nhật trên kênh của Đài truyền hình quốc gia mang tên "Thủ tướng với nhân dân". Chương trình đó dành cho Thủ tướng báo cáo các vấn đề có tính thời sự hoặc những công việc mà chính quyền sẽ tiến hành trong thời gian tới về chính trị, kinh tế, xã hội v.v… và đồng thời để đối thoại với dân chúng. Trong chương trình đó, người dân có thể gọi điện, hay SMS để dặt các câu hỏi liên quan mà mình quan tâm cho Thủ tướng. Cũng là dễ hiểu mọi câu hỏi của dân chúng đều được tiếp nhận và trả lời công khai trong buổi truyền hình của chủ nhật kế tiếp, Thủ tướng muốn lấy lòng cử tri thì đây là những cơ hội bằng vàng của họ, những nguyên thủ của dân, do dân bầu và làm việc vì nhân dân.

Qua mạng internet cũng được biết rằng Thủ tướng Dũng cũng rất muốn PR bản thân mình với công chúng, thì tại sao Thủ tướng Dũng không học họ cách làm này, khi mà Đài truyền hình Việt nam nằm trong tay ông sao ông không biết sử dụng mà tuyên truyền cho cá nhân ông và đảng của ông? Việc làm như vậy sẽ giúp ông gần với dân chúng hơn, qua đó dân tin hay không tin vào cá nhân ông hay chính quyền của ông cũng thông qua lời hứa và việc làm cụ thể. Sẽ không có kiểu hứa hươu, hứa vượn nhận trách nhiệm rồi sẽ báo cáo cụ thể như vụ Vinashin mà ông từng hứa trước Quốc hội cho xong rồi để từ ngày ấy cho đén nay. Cách làm này là con dao hai lưỡi, sẽ có tác dụng tích cực với các vị Thủ tướng cần sự ủng hộ của nhân dân và ngược lại nó sẽ có tác dụng tiêu cực với những kẻ cầm quyền đi lên không bằng ý chí đông đảo của dân chúng qua lá phiếu bầu cử.

Trong những ngày này, khi mà các nguyên thủ của các quốc gia độc tài trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí của ông ta ở Việt nam đang choáng váng với kết cục chính trị bi thảm với các nhà độc tài ở Tunisia, Ai cập và các quốc gia khác ở Trung Đông phải hứng chịu. thì giải pháp này có lẽ là một lối thoát tích cực cho cá nhân ông Thủ tướng và đảng CSVN của các ông.

Người Việt nam mình có tính bao dung và độ lượng, không bỏ bạn trong lúc hoạn nạn, tôi không dám phạn thượng bằng một bức thư ngỏ như người khác, cũng hy vọng bằng bài viết này khi phổ biến trên mạng có cả mạng xã hội Facebook thì hai ông bạn Thủ tướng của tôi sẽ được biết và được đọc. Chắc không ít thì nhiều nó cũng giúp cho ông Thủ tướng Việt nam rút ra vài điều bổ ích cho chính mình.

Bạn bè dù là trên mạng ảo thì tôi cũng chỉ biết giúp nhau như thế thôi. Thưa ông bạn Thủ tướng của tôi.

Sài gòn, ngày nắng đẹp 16/02/2011