THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 February 2011

'1kWh điện dưới 1.100 đồng, còn cốc nước chè 2.000 đồng'


Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực Phạm Mạnh Thắng khẳng định, phương án tăng giá điện năm 2011 đã tính đến lạm phát và đối tượng sử dụng. Hiện giá điện của Việt Nam thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
>Giá điện có thể tăng 18%

Việc điều chỉnh tỷ giá mới đây cùng với việc nhiều mặt hàng quan trọng, trong đó có điện dự kiến sẽ tăng giá đang gây sức ép lên lạm phát. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ảnh: Hoàng Lan
Cục trưởng Phạm Mạnh Thắng. Ảnh: Hoàng Lan.

- Quyết định 21 của Chính phủ đã quy định rõ hằng năm phải điều chỉnh giá điện. Theo Luật, đáng lẽ phải tăng giá điện từ đầu năm nhưng Chính phủ đã cân nhắc thời điểm và mức độ tăng giá điện để làm sao gây tác động ít nhất đến sản xuất của người dân nói riêng cũng như các vấn đề kinh tế xã hội nói chung.

Bộ Công Thương chỉ là cơ quan trình phương án để các tác động trên là nhỏ nhất. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ thẩm định. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Thời điểm tăng giá điện và mức tăng bao nhiêu thuộc quyền quyết định của Chính phủ.

Khi đưa ra các phương án tăng giá điện, Bộ Công Thương đã tính toán như thế nào đến việc tăng giá than và khí, thưa ông?

Giá than và khí sẽ được tăng giá theo thị trường nhưng lộ trình tăng bao nhiêu và thời điểm nào thì chưa có. Xác định giá than và khí theo thị trường thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Than và khí là đầu vào của điện. Nếu đầu vào tăng mà đầu ra không tăng thì ngành ngành điện sẽ chết. Tôi cho rằng, nguyên tắc cơ bản là đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải tăng. Sự tăng giá phải đồng bộ theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định giá than, khí, dầu tăng thì giá điện phải tăng theo, nếu không ngành điện sẽ lỗ.

Nếu phương án tăng giá 18% của Bộ Công Thương được chấp thuận thì mức độ ảnh hưởng sẽ thế nào đối với nền kinh tế thưa ông?

- Phương án tăng giá điện bao nhiêu phần trăm hiện Bộ Công Thương chưa được phép công bố. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tất cả các phương án đưa ra đều phải được tính toán và đánh giá đến tác động tới lạm phát cũng như từng đối tượng sử dụng điện như sản xuất, hộ sinh hoạt.

Thưa ông, nếu phương án tăng giá điện của Bộ Công Thương được phê duyệt thì giá điện của Việt Nam sẽ như thế nào so với các nước trong khu vực?

- Hiện giá điện năm 2010 của Việt Nam là 1.058-1.060 đồng mỗi kWh. Nếu theo tỷ giá đầu năm 2010 thì bằng 5,3 cent mỗi kWh. Nhưng theo tỷ giá mới từ 11/2 thì giá điện hiện chỉ còn khoảng hơn 4 cent. Từ đầu năm 2010, giá điện của Việt Nam đã thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Nước bạn Lào thấp thứ nhì cũng đã lên tới 5,8 cent mỗi kWh. Chúng ta phải chạy điện bằng dầu, bằng khí, bằng than với giá rất đắt. Rõ ràng ở đây có những điều không hợp lý và chưa phản ánh được vấn đề đầu ra. Chính phủ đang có lộ trình để điều chỉnh lại để giá điện phản ánh đúng chi phí đầu vào.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, giá điện cao hay thấp phụ thuộc vào cơ cấu nguồn phát, năng lượng cũng như cơ cấu chi phí của từng nước. Mỗi nước khác nhau nên cũng khó để so sánh. Nhưng tôi đưa ra một ví dụ thế này để các bạn tự nhận định. Một kWh điện của Việt Nam chưa đến 1.100 đồng, trong khi một cốc nước chè là 2.000 đồng. Để sản xuất được 1kWh điện của nhà máy Thủy điện Hòa Bình là mất 5 m3 nước, còn nhà máy thủy điện Thác Bà mất 10 m3 nước. Mỗi kWh điện có thể chạy cho một chiếc điều hòa làm mát cho căn phòng trong vòng 1 tiếng. Từ đó chúng ta có thể thấy giá điện là rẻ hay đắt.

Nếu giá điện tăng thì tình hình cung ứng điện có khả quan hơn không?

- Giá điện không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết việc cung cấp điện. Nó chỉ là một trong những yếu tố giúp giải quyết chuyện cung ứng điện mà thôi. Nếu giá điện thấp sẽ không thu hút nhà đầu tư và về lâu dài, chúng ta sẽ không có đủ điện. Ngược lại, giá điện tốt sẽ khuyến khích được nhà đầu tư. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề này không giải quyết được ngày một ngày hai. Muốn 5 năm nữa có điện đầy đủ thì bây giờ phải thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nếu không, tôi e rằng, 5 năm nữa chúng ra sẽ thiếu điện. Và tôi chắc chắn rằng, nếu giá điện tăng, người sử dụng sẽ phải tiết kiệm hơn.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng bộ Công Thương cho biết, chiều nay Thường trực Chính phủ sẽ họp và đưa ra quyết định cuối cùng về phương án tăng giá điện năm 2011. Bộ Công Thương sẽ công bố chính thức các quyết định của Chính phủ trong tuần tới.

Trước đó, một nguồn tin có thẩm quyền của Liên bộ Tài chính - Công Thương khẳng định với VnExpress.net, Bộ Công Thương - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án chính thức để lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan này cũng đề xuất 3 phương án tính giá điện năm 2011, với mức tăng 26,3 %, 18,03% và 30,3 %. Trong 3 phương án đưa ra, Liên bộ Tài chính - Công Thương thiên về phương án tăng 18% - mức thấp nhất

Hoàng Lan