THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 January 2011

# Ngu+o+`i Da^n Gia^.n Du+~ - Nguye^~n Ho^.i

Người Dân giận dữ"

Nguyễn Hội

 

„Người Dân giận dữ" được chọn là danh từ của năm 2010 tại nước Đức, danh từ này được báo chí dùng để chỉ những người biểu tình chống đối công trình „Stuttgart 21", một công trình  xây dựng nhà ga xe lửa dưới mặt đất tại thành phố Stuttgart, thủ phủ của một trong ba tiểu bang giàu nhất nước Đức. Những lý do chống đối được nêu là:

  1. Dự án làm hại môi sinh. Khoảng 300 cây trong công viên Schlossgarten bị chặt đi. Việc xây dựng hầm dưới mặt đất cho xe lửa chạy ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước suối thiên nhiên trong vùng Stuttgart, nguồn nước này lớn thứ hai tại Âu Châu sau Budapest.
  2. Dự án không có tính phát triển thêm mà làm giảm trạm xe lửa trong nhà ga. Nhà ga cũ có tất cả 17 trạm, do tổn phí xây nhà ga dưới mặt đất cao nên tổng số trạm xe lửa trong nhà ga mới chỉ còn có 8 trạm. Nhà ga mới do đó sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngày nay. Đặc biệt trong tình trạng nhiều xe lửa bị trễ nhà ga sẽ tràn ngập hành khách và xe lửa.
  3. Tổn phí công trình dự thảo ban đầu là 2,5 tỉ EUR, theo dự đoán của cơ quan chiết tính Liên Bang Đức (Bundesrechungshof) phí tổn công trình sẽ là 5,3 tỉ EUR. Chuyên gia độc lập ước đoán phí tổn có thể lên tới 8, 9 tỉ EUR.

 

Giới ủng hộ công trình „Stuttgart 21" đưa ra những lợi điểm sau:

  1. Tạo khoảng 7000 chỗ làm trong thời gian xây dựng. Lâu dài sẽ tạo thêm 10000 chỗ làm.
  2. Rút ngắn thời gian chuyên chở giữa nhà ga chính và phi trường Stuttgart, chỉ còn 8 phút thay vì 27 phút hiện nay.
  3. Qua cấu trúc mới xe lửa sẽ đi xuyên qua nhà ga. Hiện nay trong tình trạng nhà ga cụt xe lửa phải đi ngược lại đường cũ sau khi bỏ và đón khách tại nhà ga Stuttgart. Chính vì thế nhà ga mới với 8 trạm có khả năng tương đương với 16 trạm.
  4.  Xe lửa chỉ cần 28 phút thay vì 54 phút như hiện nay trên đoạn đường Stuttgart – Ulm. Lý do này được giới chống đối công trình bác bỏ vì đây là việc tăng cấp đoạn đường Stuttgart – Ulm chứ không trong phạm vi công trình „Stuttgart 21".

Ngày 14 Tháng 11 năm 2007 giới chống đối công trình „Stuttgart 21" đã nộp cho toà hành chánh thành phố Stuttgart đơn xin tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về công trình „Stuttgart 21" với 61193 chữ ký hợp lệ. Hội đồng thành phố đã nhóm họp ngày  20.12.2007 để biểu quyết đơn xin nêu trên. Kết quả 15 phiếu thuận và 45 phiếu chống tổ chức cuộc trưng cầu dân ý cho công trình Stuttgart 21.

 

Noi gương công dân thành phố Leipzig chống lại chế độ độc tài cộng sản Đông Đức vào những năm cuối thập niên 80 và năm 1990 các cuộc biểu tình được tổ chức hàng tuần vào ngày thứ hai trước nhà ga Stuttgart từ tháng 11.2009. Biểu ngữ „Wir sind das Volk (chúng tôi là nhân dân)" được xuất hiện tại Stuttgart. Vào ngày 30.09.2010, khi 25 cây cổ thụ đầu tiên trong công viên Schosspark bị đốn bỏ thì hàng ngàn người biểu tình chống đối. Cảnh sát đã đàn áp dữ dội gây thương tích cho khoảng 400 người. Ngày hôm sau, 1.10.2010,  khoảng 100 ngàn người và ngày 9.10.2010 khoảng 150 ngàn người xuống đường biểu tình chống công trình „Stuttgart 21".

 

Sau sự kiện này chính quyền tiểu bang (với sự chấp thuận của phe chống đối) đã đề cử ông Heiner Geissler làm trọng tài cho cuộc tranh chấp này. Ông Heiner Geissler là một cựu bộ trưởng thuộc Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng thủ cựu đang nắm chính quyền, nhưng đồng thời là thành viên của attac, một tổ chức quốc tế đòi hỏi phải chú trọng đến quyền lợi con người trong tiến trình toàn cầu hoá, thay vì chỉ nhằm quyền lợi chính trị và kinh tế, ông thường có mặt trong các cuộc giải quyết mâu thuẫn giữa công đoàn và chủ hãng. Sau gần hai tháng tạo điều kiện cho hai phe chống đối và thực hiện công trình „Stuttgart 21" cùng ngồi lại trao đổi ý kiến, ngày 30.11.2010 ông Heinner Geissler đã đưa đề nghị cải thiện công trình „Stuttgart 21" thành „Stuttgart 21 cộng" với một số điểm cải thiện, thí dụ như:

  1. Các cây cổ thụ trong công viên Schosspark không được đốn đi, trừ những cây đã bị hư hại. Nếu các cây này có thể bị nguy hại trong thời gian thi công công trình „Stuttgart 21" thì thành phố phải đem các cây cổ thụ này đến trồng ở những nơi an toàn cho đến khi công trình được hoàn thành.
  2. Đất của nhà ga cũ sẽ do một quỹ vô vị lợi quản lý với mục đích:
    1. cải thiện không khí trong lành cho trung tâm thành phố Stuttgart
    2. xây dựng khu vực dân cư sinh thái thích cho trẻ em, cho đời sống gia đình, cho mọi lứa tuổi với giá phải chăng
  3. xây thêm hai trạm xe lửa trong nhà ga mới dưới mặt đất
  4. Công ty đường sắt thực hiện một cuộc kiểm tra căng thẳng (stresstest) mô phỏng theo kế hoạch hệ thống đường sắt của công trình „Stuttgart 21".
  5. vv…

Trên đây là một thí dụ về đấu tranh quyết liệt của người dân Đức cho một sự việc không ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của họ. Công trình „Stuttgart 21" không bắt họ  phải dọn ra khỏi nhà, họ không phải mất tài sản, không phải đổi nghề vì bị ép buộc phải trao ruộng vườn cho nhà nước, không phải mất mồ mả tổ tiên vv… Nhưng họ vẫn dấn thân, sẵn sàng ăn dùi cui, roi điện, sẵn sàng bị vòi rồng xịt nước ướt đẫm trong những ngày thu lạnh lẽo của nước Đức. Sau khi 400 trăm đồng hương bị đánh đập tàn nhẫn, cơn phẫn nộ dâng cao khiến hàng trăm ngàn người ồ ạt xuống đường liên tục ép chính quyền phải thoả hiệp vì ý dân là ý Trời!

 

Tại Việt Nam, đã từ nhiều năm qua hàng triệu người đã phải bùi ngùi chấp nhận để cho cán bộ, viên chức nhà nước giải toả nhà cửa, ruộng vườn của người dân để làm đường, xây cất khu vực công nghiệp vv… Gần đây nhất chính quyền Đà Nẵng đòi giải toả giáo xứ Cồn Dầu để xây dựng một trung tâm du lịch sinh thái mà không hề quan tâm đến đời sống người dân vì hơn 90% dân tại đây ngoài nghề làm ruộng họ không hề biết một nghề nào khác. Phương tiện làm ăn sinh sống của họ là ruộng vườn nay bị  trưng mua, số tiền bồi thường nhỏ nhoi chỉ có thể ăn sống trong một thời gian ngắn rồi cuối cùng lâm vào cùng số phận như những đồng bào ở các tỉnh miền Tây là… màn trời chiếu đất!

 

Sự kiện Cồn Dầu cho thấy cán bộ, đảng viên đã lợi dụng sự im lặng lâu năm của người dân Việt Nam để làm giầu bản thân và phe nhóm. Khu đất Giáo xứ Cồn Dầu toạ lạc gần biển, nơi mà họ có thể xây dựng những lâu đài đẹp đẽ bán cho giới thượng lưu trong và ngoài nước với giá cả triệu đô la Mỹ nhưng đền bù cho người dân với giá rất rẻ  (250.000 VND, tương đương  13 USD cho mỗi mét vuông nhà và 50.000 VND, ttương đương 2,5 USD cho mỗi mét vuông ruộng). Theo ông Đỗ Xuân Hiền, nguyên Trưởng ban Kinh tế Đà Nẵng thì ông Nguyễn Bá Thanh đã thường làm những cuộc làm ăn tương tự trong quá khứ: „"Nguyễn Bá Thanh lấy đất của dân, mỗi mét vuông đất đền bù cho dân có 19500 đ/m² trong khi bản thân ông Nguyễn Bá Thanh lấy của chủ nhà thầu đất là 150000 đ/m², thử hỏi là gấp bao nhiêu lần. Như vậy có phải là tham nhũng, hối lộ hay không?".                              

Cái bánh vẽ về người cán bộ, đảng viên cộng sản là „đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân" đã bị rữa nát. Họ đã lộ nguyên hình một giai cấp thống trị dùng chủ nghĩa cộng sản và luật pháp để bóc lột người dân một cách tinh vi và dã man. Để sống còn người dân Việt Nam phải lên tiếng, lên tiếng một cách đồng lòng, đồng loạt, kiên trì và ở khắp mọi nơi giành cho bằng được dân chủ và nhân quyền. Vì một khi dân chủ  và nhân quyền được tôn trọng thì quyền lợi của mọi người dân mới được bảo đảm và chúng ta cũng như con cháu của chúng ta không còn là những kẻ nô lệ chỉ biết cúi đầu vâng lệnh, cho dù mệnh lệnh bắt ta phải dọn ra khỏi ngôi nhà mà tổ tiên, cha mẹ ta đã cất lên trước khi có cái „chính quyền nhân dân này"!

 

Nguyễn Hội