THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 January 2011

Giao thông Hà Nội rối loạn


 
21/01/2011 22:35 
Những cảnh tắc đường như thế này không chỉ có vào giờ cao điểm - Ảnh: Ngọc Thắng
Hà Nội lại rơi vào cảnh tắc đường trầm trọng. Hàng loạt giải pháp được tung ra để tháo gỡ như tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát hay phân luồng hướng dẫn giao thông từ xa, nhưng người dân vẫn đang phải sống chung với cảnh rối loạn, ùn tắc.

8 giờ 40 phút sáng ngày 21.1, đã qua giờ cao điểm, nhưng tại một loạt các tuyến đường như Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Đê La Thành - Khâm Thiên… từng đoàn xe vẫn nối đuôi nhau, nhích từng vòng bánh xe. Chị Nguyễn Thu Hiền, nhà ở ngõ 54, phố Hoa Bằng (Q.Cầu Giấy), làm việc tại một cơ quan có trụ sở trên phố Tô Hiến Thành cho biết, đã hơn một tuần nay chị liên tục gặp tình trạng tắc đường vào bất cứ thời điểm nào trong một ngày.

Phân luồng từ xa... vẫn tắc

Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc xảy đến trước Tết Nguyên đán, ngay từ tháng 12.2010, Sở GTVT Hà Nội đã có quyết định hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa cho các phương tiện. Cụ thể, các loại xe ô tô tải có trọng lượng toàn bộ từ 1 tấn trở lên và xe chở khách 25 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe giải quyết sự cố, xe có phù hiệu ưu tiên) bị cấm hoạt động và dừng đỗ từ 6 - 21 giờ hằng ngày trên các tuyến phố từ vành đai II trở vào. Nhưng trên thực tế thì tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra, và nguy cơ ùn tắc kéo dài hoàn toàn có thể xảy ra, khi mà mật độ phương tiện tham gia giao thông đang tăng nhanh vào những ngày cuối năm.

Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng đội khám nghiệm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội cho biết, sẽ tăng cường xử lý nghiêm, tập trung các trường hợp vi phạm như xe khách nhồi nhét khách, bắt trả khách không đúng điểm quy định. Đồng thời bố trí tối đa quân số ứng trực, tham gia điều tiết, phân luồng tại các ngã tư, ngã năm, tại những "điểm đen", trên những tuyến phố chính, những tuyến đường huyết mạch dẫn vào nội đô, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc ùn tắc.

Còn theo ông Đinh Văn Hải, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, lực lượng thanh tra đang tập trung rà soát lại các điểm, các nút có nguy cơ ùn tắc cao như: Minh Khai, Đại La, Trường Chinh, Láng, Bưởi, Lạc Long Quân, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi... để có những giải pháp hiệu quả. Sở cũng sẽ tiến hành sơn lại kẻ vạch, tuyên truyền để người tham gia giao thông đi đúng làn đường. Nhưng cũng đồng thời tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, đi không đúng làn đường.

Ông Hải cho rằng, việc phân luồng từ xa, cụ thể là cấm xe tải trên một tấn từ vành đai II trở vào tỏ ra khá hiệu quả, khi hạn chế được tối đa xảy ra xung đột tại các ngã tư - nguyên nhân chính gây tắc đường. Tuy nhiên, việc cấm xe tải trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân sinh, khi mà thời gian gần tết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào nội đô tăng cao.

Thiếu một giải pháp căn cơ

TS Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng, bùng phát tắc đường cuối năm do lưu lượng tham gia giao thông tăng tới 20-30% so với bình thường khi người dân đi sắm tết, các địa phương về T.Ư chúc tết, đặc biệt trời lạnh khiến người dân sử dụng ô tô cá nhân nhiều hơn để tránh rét.

"Các ban ngành của Hà Nội theo cách làm của mình đã cố gắng hết sức như tổ chức giao thông lại, mở nút, bịt nút… Nhưng có giải pháp cần phải làm ngay khẩn cấp, mạnh tay là hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là ô tô, nhưng Hà Nội lại rất e dè gần như không có động thái nào về việc này, trong khi TP.HCM đã làm nghiên cứu khả thi và chuẩn bị kết thúc nghiên cứu khả thi này", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, "giai đoạn trước mắt khi năng lực cơ sở hạ tầng, vận tải công cộng của Hà Nội đến năm 2020 vẫn hết sức hạn chế, đặc biệt là khu vực trung tâm, Hà Nội sẽ phải kiểm soát rất chặt chẽ quyền tiếp cận, khả năng được tiếp cận hạ tầng của các phương tiện cơ giới, đặc biệt taxi và ô tô".

Cụ thể, theo ông Hùng cần kiểm soát quyền sử dụng đường, có thể dùng biện pháp hành chính như không cho sử dụng đường A, đường B trong thời gian nhất định hoặc thu phí giờ cao điểm. Hay việc cân nhắc lại phí đỗ sao cho hợp lý, tương ứng với giá trị cung ứng cơ sở hạ tầng. "1m2 đường Hàng Bè (Q.Hoàn Kiếm) đền bù tới 1 tỉ đồng, nhưng thu phí đỗ xe chỉ 10.000 đồng/lần cũng trên diện tích 1m2 là quá thấp", ông Hùng phân tích. "Hiện nay Nhà nước trợ cấp, trợ giá ngầm quá nhiều cho người sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô, trong khi xe buýt trợ giá 3.000 đồng/lượt đã bị kêu ầm lên", ông Hùng nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, mục tiêu thu phí không phải lấy tiền mà để giảm ách tắc giao thông, nên phải đủ mạnh để người tham gia giao thông cân nhắc chọn phương tiện, chọn đường đi, điểm đến hay thời gian đi.

Ô tô chiếm gần 65% tổng diện tích đỗ xe

Một nghiên cứu của Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho biết, xe ô tô chiếm 10% phương tiện, nhưng chiếm 55% diện tích sử dụng động trên đường và gần 65% tổng diện tích đỗ xe. "Quyền sử dụng hạ tầng của những người khác đang bị xe ô tô xâm hại nhiều, chúng ta không cấm, hay hạn chế mà cần cân nhắc. Đặc biệt phải có sự ủng hộ nhất quán từ cơ quan chức năng cao hơn, tín hiệu hiện nay đang rất yếu như Bộ GTVT, Bộ Tài chính chưa có động thái nào. Như thông tư thu phí đường bộ của Bộ Tài chính ban hành đã nhiều năm nhưng tới giờ chưa có điều chỉnh nào", TS Khuất Việt Hùng nhìn nhận.

Minh Sang - Mai Hà