THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 December 2010

ĐH “nhà phố” (Kỳ cuối): Dùng dằng nửa ở nửa dời


TT - Chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành đã được đưa ra từ lâu và hầu hết trường ĐH, CĐ đều ủng hộ. Nhưng kỳ lạ là đến nay chưa có trường nào thật sự dời ra khỏi nội thành và chưa biết đến bao giờ việc này mới được thực hiện.

>> Kỳ 1: Chen chúc nội thành
>> Kỳ 2: Giải pháp ngoại thành

Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM chấp nhận hoán đổi khu đất ở 100 Hùng Vương, Q.5, TP.HCM để lấy đất di dời nhưng chưa được. Trong ảnh: khu đất này hiện đang làm bãi giữ ôtô - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thực tế, do quá chật chội, nhiều trường đã tự lo chạy khắp nơi tìm đất cho riêng mình. Theo ông Trương Ngọc Ẩn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cách đây bốn năm UBND TP.HCM đã có quyết định giao gần 40ha đất ở P.Long Thạnh Mỹ và P.Long Bình, Q.9 cho trường nhưng vẫn còn là... dự án.

Năm 2001, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chủ động xin đất ở khu vực ngoại thành và được TP chỉ định bố trí khu đất tại Q.9 nhưng nay nhà trường vẫn chưa xác định rõ vị trí chính xác cũng như diện tích khu đất này.

Vướng đủ thứ...

Muốn dời nhưng không được

PGS.TS Huỳnh Trọng Khải, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, bức xúc: "Trong khi các trường khác chỉ muốn di dời một phần, trường chúng tôi mong thí điểm di dời toàn bộ lại không được...". Theo ông Khải, trước nhu cầu bức thiết về việc tăng diện tích đất đai của trường trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp, năm 2003 trường đã mạnh dạn đề xuất phương án hoán đổi cơ sở hiện tại trong nội thành của trường có giá trị thương mại cao để có kinh phí xây dựng cơ sở mới ở ngoại thành. Ý tưởng này đã được đồng thuận từ tập thể cán bộ viên chức nhà trường đến Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM. "Trường đã gửi văn bản đến các nơi xin được tham gia thực hiện thí điểm di dời toàn bộ cơ sở trường ra ngoại thành, nhưng nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào của các ban ngành" - ông Khải nói.

Tương tự, tháng 6-2007, Trường ĐH Luật TP.HCM được TP chấp thuận giao 40ha đất ở cù lao Long Phước, Q.9 trong khu ĐH đông bắc và được Bộ GD-ĐT phê duyệt kế hoạch đầu tư nhưng hiện vẫn chưa triển khai được... do vướng quy hoạch. Sau nhiều năm, tại vị trí đất các trường được giao đến nay vẫn chưa có quy hoạch 1/2.000.

Trước đó, từ năm 1997, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng tìm đất ở ngoại thành và đã xin 20ha đất ở P.Hiệp Phú, Q.9, dù được địa phương ủng hộ nhưng cuối cùng không giải quyết được do vướng quá nhiều thủ tục.

Đại diện Trường ĐH Mỏ - địa chất cho biết trường đã được Chính phủ đồng ý quy hoạch 50ha cùng hai trường ĐH khác tại khu Đông Ngạc (Hà Nội). Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do khâu đền bù còn vướng mắc. Trong khi đó, diện tích trên đang bị các đơn vị, dân cư xung quanh dần lấn chiếm.

Đây cũng là tình trạng chung của một số trường đã được cấp đất ở các khu vực ngoại thành trong những năm qua. Quyết định cấp đất đã cầm trong tay vài năm nhưng chưa có gì tiến triển, thậm chí diện tích đất còn "teo" dần do bị lấn chiếm. Tốc độ đền bù giải phóng mặt bằng chậm được các trường giải thích là do "trường không có đủ kinh phí để đền bù giải tỏa".

Lãnh đạo Trường ĐH Mỏ - địa chất cho hay: "Chúng tôi có được đất rồi, muốn làm được nhanh cũng phải có sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT. Kinh phí các trường có hạn, chỉ có nguồn thu từ học phí và đủ chi cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường, không thể có tích lũy hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để chi giải tỏa".

Ông Lê Văn Học, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên - nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Hà Nội trình Chính phủ quyết định lộ trình chuyển một số trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành là một việc hết sức khó khăn. Hiện bốn quận nội thành cũ: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàn Kiếm đã có 26 trường ĐH, CĐ với gần 70.000 sinh viên đang học tập. Việc di dời các trường này toàn bộ hoặc một phần cũng phải tính toán kỹ.

Ông Học phân tích: "Thật ra vấn đề kinh phí để di dời rất lớn, vượt quá khả năng hiện nay của Hà Nội và của cả nước, do đó khó thực hiện. Mặt khác cũng phải giải quyết được khía cạnh xã hội: bản thân SV cũng như giảng viên các trường, cán bộ quản lý cũng vậy, không ai muốn rời khỏi trung tâm thủ đô vì ở cơ sở mới hạ tầng rất kém, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo nên họ không yên tâm học tập và làm việc".

Ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng sau khi có đất, các trường phải xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất rồi mới có thể di chuyển, không thể vừa xây vừa học được. Nhưng để có tiền vừa đền bù giải tỏa, vừa xây dựng cơ sở vật chất của một trường ĐH mới cùng lúc là điều không tưởng đối với nguồn lực hiện có của các trường.

Chỉ muốn có thêm, chẳng muốn dời

Tuy nhiên, ông Châu cũng cho biết trong trường hợp phải xây dựng cơ sở mới bên ngoài TP, trường vẫn muốn tiếp tục giữ cơ sở hiện nay. Nhiều lý do được ông Châu nêu lên cho đề xuất này như: trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất to đẹp, trong lúc xây dựng trường mới, trường vẫn cần địa điểm để duy trì hoạt động giảng dạy và học tập...

Theo ông Châu, "phương án tốt nhất cho trường là xây dựng thêm một cơ sở mới để giảm áp lực, giữ cơ sở hiện nay để làm địa điểm giao dịch, trung tâm nghiên cứu, đào tạo sau ĐH...".

Tương tự, PGS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc di dời các trường ra ngoại thành, nhưng nếu TP mà không có bóng dáng trường ĐH nào trong nội thành là điều không nên. Chúng tôi vẫn mong muốn được giữ lại cơ sở nội thành để đào tạo sau ĐH. Những người học văn bằng 2 đa số đang làm việc trong khu vực nội thành. Nếu trường dời hết ra ngoại thành thì không ai học".

Ông Trương Ngọc Ẩn cũng nêu nguyện vọng giữ lại cơ sở hiện tại. "Trường có lịch sử lâu đời, bao nhiêu thế hệ kiến trúc sư gắn bó với nơi đây... Hơn nữa, trong hoạt động của trường ĐH cần có cơ sở nội thành để đối ngoại, đào tạo sau ĐH" - ông Ẩn nói.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện nhiều trường cũng cho rằng không nhất thiết phải di dời triệt để các trường ra ngoại thành. Những trường cơ ngơi tương đối đáp ứng được nhu cầu đào tạo, có lịch sử phát triển lâu đời, gắn với lịch sử TP... thì nên di dời một phần.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh, chủ tịch HĐND TP Hà Nội, khẳng định: "Nguyện vọng chung của các trường là có thêm cơ sở 2 chứ không di dời".

TRẦN HUỲNH - THANH HÀ