THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 November 2010

Nhìn lại thực trạng môi trường toàn quốc

SGTT.VN - Trong hai ngày 17- 18.11, tại Hà Nội, bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức hội nghị Môi trường toàn quốc lần 3. Một loạt hội nghị khoa học tập trung thảo luận các vấn đề nóng như: quản lý và công nghệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học... đã được tổ chức.

Trong đó, các vấn đề mang tính bền vững như bất cập trong quản lý chất thải rắn nguy hại, công nghệ khử độc môi trường, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai đe dọa đa dạng sinh học…vẫn là các vấn đề đáng lo ngại nhất.

Chất thải nguy hại: xử lý thấp so với thải ra
Bãi rác luôn có nguồn "nhiên liệu" là các phế liệu, hoá chất độc hại, nên khói lửa luôn hiện diện tại bãi rác này trừ những ngày mưa lớn. Ảnh: Q.A

Theo kết quả khảo sát của tổng cục môi trường vào tháng 9.2009 đối với 35/64 tỉnh thành, phố trực thuộc trung ương, tổng số lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh là 984.405 tấn/năm. Có khoảng 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ.
Cũng năm 2009, lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý bởi các đơn vị do tổng cục môi trường cấp phép là hơn 100.000 tấn, Th.S Nguyễn Thành Yên, trưởng phòng chất thải nguy hại, cục quản lý Chất thải & cải thiện môi trường cho biết.

Tính tới tháng 10.2010, mới chỉ có 36 cơ sở xử lý CTNH đã được cấp phép. Chủ yếu là các công nghệ thiêu đốt (lò đốt tĩnh hai cấp), đồng xử lý trong lò nung xi măng, chôn lấp, công nghệ hóa rắn (bê tông hóa)... chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chứ chưa có công nghệ chuyên biệt hoá xử lý cho từng loại CTNH riêng biệt.

Tính đến tháng 10.2010, có 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý gây ô nhiễm. Kiểm tra 9 tháng đầu năm 2010: lập 113 biên bản vi phạm hành chính, đề nghị xử phạt từ 9-15 tỷ đồng các đơn vị. Bộ TN&MT tiếp tục giám sát việc khắc phục hậu quả: xử lý nix thải của công ty TNHH nhà máy tàu biển Huyndai-Vinashin, việc chôn lấp bột màu đen của công ty TNHH Sao Mai Xanh, công ty giấy Bãi Bằng, công ty Miwon – Phú Thọ…
Theo thứ trưởng bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, trong thời gian tới sẽ hướng để thành lập các doanh nghiệp vừa vận chuyển, vừa xử lý. Bởi nếu vận chuyển không thôi thì các đơn vị vận chuyển thường đấu thầu giá thấp, lấy một số chất thải có lợi, còn lại mang đi chôn không đúng quy định. Các đơn vị vận chuyển thuần túy sẽ bị hạn chế dần, sau một thời gian không chuyển qua xử lý thì sẽ bị rút giấy phép. 

Ngoài ra, về chủ trương vĩ mô sẽ dự định thực hiện ba nhà máy xử lý rác thải nguy hại hiện đại ở ba vùng. Vấn đề kinh phí đang nhờ Nhật hoặc Hàn Quốc thông qua vốn ODA giúp, công nghệ cao sẽ giúp việc xử CTNH dễ hơn. 

Đa dạng sinh học bị “tấn công” toàn diện

Với tính đa dạng sinh học cao, Việt Nam đã được công nhận là một trong các quốc gia cần ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu.
Với tính đa dạng sinh học cao, Việt Nam đã được công nhận là một trong các quốc gia cần ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Xuân Cảnh, viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, do có sự thay đổi nhanh về kinh tế, xã hội và tăng trưởng dân số nên mô hình tiêu thụ của người dân thành thị cũng đã thay đổi. Những thay đổi lớn đó đã dẫn tới việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên tới mức độ nguy hiểm tại nhiều vùng trên cả nước như khai thác trầm, săn bắt động vật quý hiếm, khai thác sâm Ngọc Linh…

Hội động thực vật Việt Nam cho biết, tổng số loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa là 882 loài. Đặc biệt, có tới chín loài động vật, hai loài lan hài được cho là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Chỉ tính riêng từ năm 2000-2003 số lượng động vật hoang dã mà cơ quan chức năng tịch thu, xử lý do săn bắt, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp trong toàn quốc là 311.686 kg và 90. 565 cá thể sống.

Ngoài ra, Việt Nam có hàng nghìn công trình hồ chứa, đập, trạm bơm tiêu, các kè, đập đã làm thay đổi nơi cư trú, cấu trúc của các thành phần thủy sinh, nhiều loài thủy sinh vật bị ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại ngoại lai xâm nhập vào hệ sinh thái sông. Diện tích rừng ngập mặn hiện chỉ còn gần 155.300 ha giảm 100.000 ha so với năm 1990 và ngày càng giảm nhanh.

Trong khi đó, việc nhập các giống mới, có năng suất cao đã làm suy giảm cả về diện tích lẫn nguồn gen của cây trồng bản địa. Các loại như ốc bươu vàng, chuột hải ly… 20 năm qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, các kỹ thuật đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, sốc điện để đánh bắt cá đang được dùng tràn lan cả trong nội địa và duyên hải như hiện nay còn đe dọa tới hơn 80% rạn san hô của Việt Nam.

Một kinh nghiệm được đưa ra với mô hình rừng ngập mặn tại Đồng Rui, Tiên Yên, Quảng Ninh, giao đất, xây dựng vườn ươm, hướng dẫn kỹ thuật, để nhân dân trực tiếp tham gia vào dự án đã giúp bảo vệ khu rừng ngập mặn bền vững, ông Trần Ngọc Cường, cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường chia sẻ.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam

Chấn chỉnh việc để nhà máy ra đời trước khi có quy hoạch – một thực trạng cần chấn chỉnh đó là một số nhà máy, xí nghiệp ra đời trước khi có chủ trương quy hoạch. Chủ đầu tư thường chọn địa điểm trước khi xây, sau đó hợp thức hóa các thủ tục. Khiến có nhiều cơ sở xây dựng đan xen trong khu dân cứ, trên các đoạn sông. Việc làm này sẽ khiến quá tải về môi trường, các mặt bằng xây dựng chỉ đủ cho máy móc, hậu cần thiếu đất cho xây dựng hệ thống chất thải ô nhiễm.
PGS.TS Bùi Cách Tuyến, thứ trưởng bộ Tài nguyên & môi trường

Cần khuyến khích về giá với năng lượng từ xử lý chất thải. Hiện nay việc ứng dụng công nghệ đốt và composting với chất thải rắn đô thị để thu năng lượng phát điện, rồi tạo ra các sản phẩm có ích như phân bón sẽ góp phần giảm diện tích chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất nên cần có chính sách khuyến khích về giá với năng lượng từ xử lý chất thải. Với chất thải ý tế nên chuyển sang công nghệ thân thiện với môi trường như khử khuẩn chất thải lây nhiễm trước khi chôn lấp.


Thanh Tuyền