THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 November 2010

Công trình giao thông "rùa": Bao giờ có hồi kết


21/11/2010 07:22:01

- Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM đang làm chủ đầu tư 10 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Tuy nhiên, một số công trình vẫn không đạt tiến độ đề ra, nguyên nhân chủ yếu do việc giải phóng mặt bằng chậm.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo với Hội đồng nhân dân TP.HCM về tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm do Sở GTVT TP làm chủ đầu tư.

Thi công kiểu "rùa bò"

Theo đó, dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc -  Thị Nghè) do Sở GTVT trực tiếp làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, 9 dự án còn lại gồm: Xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám, nút giao thông Gò Dưa, cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội, trung tâm điều hành giao thông… được các đơn vị trực thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.

Ngoài khó khăn về giải phóng mặt bằng, các dự án thi công chậm còn do việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chậm, vốn cho công tác xây lắp thiếu và không đáp ứng kịp yêu cầu đề ra…, ông Trần Quang Phượng cho biết.

Đơn cử, mặc dù cầu Hoàng Hoa Thám (nối Q.1 với Bình Thạnh) thông xe vào ngày 1/9/2010, tuy nhiên, cây cầu này được coi là kỷ lục xây dựng "rùa" vì dự án được phê duyệt ngày 1/4/1998 – sau 12 năm mới hoàn thành.

Theo nhận định của Sở GTVT TP, trong quá trình xây dựng, dự án liên tục phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh hồ sơ dự án, khiến số hộ dân bị giải toả tăng và đến tháng 4/2010 mới hoàn tất giải phóng mặt bằng nên việc thi công bị chậm.

Được biết, dự án còn trải qua 3 lần thay đổi chủ đầu tư với mức kinh phí sau 12 năm triển khai tăng từ 19 tỷ đồng lên 155 tỷ đồng.

Hiện nay tại nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức) vẫn thường xuyên xảy ra kẹt xe như thế này, do việc GPMB chưa hoàn thành, dẫn đến việc thi công bị chậm lại

Tiếp đó, dự án khai thông tuyến đường thủy nội địa ngã 3 Đèn Đỏ - nhà máy xi măng Hà Tiên 1, được UBND TP duyệt vào tháng 2/2000 nhưng đến nay, công trình mới chỉ đạt 75% khối lượng. Chưa kể, hiện nay công trình đang tạm ngưng thi công do vướng giải phóng mặt bằng tại quận 2.

Tương tự, tại dự án khai thông tuyến đường thủy nội địa nối sông Sài Gòn với sông Đồng Nai qua ngã Rạch Chiếc (Q.2) được UBND TP chấp nhận năm 2002; tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang nằm trên giấy do Q.9 chưa giải phóng được mặt bằng…

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch TP.HCM, bức xúc nói: "Trong 10 dự án trên, cũng chỉ có 1 dự án hoàn thành trong năm 2010 - cũng phải mất tới 12 năm. Trong khi 9 công trình còn lại đang dở dang và chỉ có 2 trong số đó (gồm dự án cầu Rạch Chiếc – Q.2 và cầu Phú Long – Q.12) dự kiến xong trong năm nay và năm sau, 7 dự án còn lại không biết đến ngày nào hoàn thành".

Thiết nghĩ chúng ta nên loại bỏ việc chạy theo thành tích trong các công trình giao thông. Thực tế, nhiều công trình dù đang còn vướng mắc về thủ tục pháp lý hay nguồn vốn, việc giải phóng mặt bằng… nhưng chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn tiến hành làm. Hậu quả, vừa làm vừa chơi, dẫn tới tiến độ và chất lượngcông trình không đảm bảo, chí phí xây dựng tăng cao qua từng năm (do trượt giá), gây thất thoát tiền bạc lại ảnh hưởng đến đời sống dân cư, bà Thanh nhận định.

Giải phóng mặt bằng – câu chuyện không bao giờ kết thúc

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận, vấn đề khó nhất và muôn thủa trong việc xây dựng các công trình giao thông vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. Chính điều này làm cho các dự án trên bị chậm lại so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, ông Phượng cũng cho hay, các công trình giao thông trọng điểm trên hầu hết đều thi công trong nội thành nên việc giải phóng mặt bằng càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Đề cập vấn đề trên, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế và ngân sách - HĐND TP.HCM cho rằng, việc giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu xuất phát từ chính sách giá trong việc đền bù cho các hộ dân  chưa nhất quán nên xảy ra tình trạng so bì. Dẫn tới việc nhiều hộ dân trong một dự án không chịu di dời do tiền đền bù nhận được quá thấp, không đảm bảo cuộc sống cho họ khi chuyển đến chỗ khác sinh sống.

Điều đáng nói, hiện nay, các dự án mới hầu như chưa có chỗ tái định cư mới, làm cho khâu giải phóng mặt bằng bị vướng, ông Hùng chia sẻ.

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng Ban kinh tế và ngân sách - HĐND TP.HCM, kiến nghị, cần chấm dứt tình trạng thi công dàn trải, TP cần tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trước, sau đó mới thực hiện các dự án nhỏ, có như vậy mới mong tiến độ các công trình diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Đồng thời, các cơ quan chức năng, các ngành liên quan không nên đổ lỗi cho nhau mà phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh khi thực hiện các dự án giao thông.

Hiện nay có một thực tế đang tồn tại là khi xảy ra sự cố, chúng ta mới kiểm tra và xử lý, chưa có sự chủ động trong việc phát hiện đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư vi phạm khi thi công các công trình nên xảy ra những hậu quả đáng tiếc, ông Hùng nhấn mạnh.

Bây giờ, Sở GTVT TP đang có kiến nghị lên UBND TP đối với việc thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, khi nào di dời hay lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cáp ngầm, viễn thông…) và giải phóng mặt bằng hoàn tất mới cho tiến hành xây dựng, tránh tình trạng vừa thi công vừa giải quyết các vướng mắc trên, ông Phượng cho biết. 

 

Hà Tuấn