THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 November 2010

Ba “nút thắt” của thị trường tiền tệ

SGTT.VN - Diễn biến bất thường của giá vàng, giá USD cộng với những thông điệp không rõ ràng, có phần trái chiều từ phía một số cơ quan chức năng đã khiến những "nút thắt" của thị trường tiền tệ thêm khó cởi.

Lãi suất: ngoài đồng thuận, trong "thả nổi"

Ông Lê Đức Thuý, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) nói: "Chính phủ đặt yêu cầu không giảm lãi suất nữa, ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải để các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động và cho vay theo thị trường". Căn cứ ý kiến này, dư luận cho rằng Chính phủ đã cho phép "thả nổi" lãi suất kinh doanh VND.

Sau đó lại có thông tin các thành viên của hiệp hội Ngân hàng (VNBA) vẫn đồng thuận trần lãi suất huy động bằng VND không quá 12%/năm. Bối cảnh của sự đồng thuận này khá mập mờ trong cuộc họp do NHNN chủ trì vào ngày 5.11.2010, chỉ có 16 NHTM dự cuộc họp (không phải do VNBA chủ trì với đầy đủ thành viên). Do đó, nhiều NHTM tuy không ra mặt phản đối nhưng cũng không tôn trọng sự đồng thuận đó. Dư luận trong giới NHTM mong muốn Chính phủ hoặc NHNN ra thông báo chính thức về việc có/hay không để lãi suất VND theo cơ chế thị trường (thả nổi/không thả nổi).

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức nào, NHNN chỉ tuyên bố là biểu dương sự đồng thuận. Thành viên HĐQT của một NHTM cổ phần nói: "Thực chất bên trong là lãi suất "thả nổi" cả rồi. Ngoài là 12%/năm nhưng cộng thêm đủ mọi loại khuyến mãi thì cũng như "thả nổi". Gần đây nhất, NHTMCP Đông Nam Á đã nâng mức lãi suất huy động VND kỳ hạn 12, 13 tháng lên mức 13%/năm. Sự "xé rào" đồng thuận đang bắt đầu. Diễn biến lãi suất VND đang phức tạp, không định hướng, người ta chưa biết đỉnh nào sẽ được xác lập trong những ngày tới.

Không minh bạch trong cơ chế lãi suất khiến các NHTM tốn kém chi phí (để che giấu lãi suất thực) và gây bất lợi cho những người gửi tiền không biết cách mặc cả lãi suất.

Tỷ giá: tiến thoái lưỡng nan

Giải pháp làm cân bằng cung – cầu ngoại tệ để tránh gây áp lực lên tỷ giá của UBGSTC và NHNN đưa ra cũng khác nhau về cấp độ. Trong khi UBGSTC tuyên bố NHNN cần bán dự trữ ngoại tệ ra, can thiệp mạnh thì NHNN tuyên bố chỉ đáp ứng đối với các nhu cầu thiết yếu có chọn lọc. Việc chậm công bố thời điểm bán ngoại tệ của NHNN khiến thị trường nghi ngờ khả năng và quyết tâm can thiệp của NHNN. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá trên thị trường tự do vẫn ở mức cao và tiềm ẩn khả năng "sốt" vào bất cứ lúc nào. Đến hôm qua, giá 1 USD vẫn xoay quanh mốc 21.000 đồng.

Nhiều người cho rằng Chính phủ và NHNN không nên chịu sức ép của thị trường tự do, bởi giá trị giao dịch trên thị trường tự do chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Ở đây có sự nhầm lẫn về tác nhân chính gây sức ép lên tỷ giá. Hầu hết biến động tăng tỷ giá trên chợ đen là do mất cân đối trên thị trường chính thức. Khi các doanh nghiệp không được đáp ứng đủ nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng họ phải ra thị trường tự do hoặc phải mua từ các nguồn cung khác với giá chợ đen. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là phải giải quyết cung – cầu giữa ngân hàng và khách hàng.

Hiện đang có ý kiến cho rằng với quy định cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được vượt quá 80% đối với ngân hàng đang làm một số lượng ngoại tệ huy động bị "nhốt lại" tại các NHTM (vì không được sử dụng cho vay), nên rất có thể số ngoại tệ này các NHTM sẽ dùng để đầu cơ. Đáng lẽ ra NHNN không nên khống chế tỷ lệ trên với vốn huy động ngoại tệ mà nên tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (tăng số tiền gửi ngoại tệ của NHTM tại NHNN) để NHNN có thêm ngoại tệ, dễ dàng hơn cho việc can thiệp.

Không minh bạch trong cơ chế lãi suất khiến các ngân hàng thương mại tốn kém chi phí (để che giấu lãi suất thực) và gây bất lợi cho những người gửi tiền không biết cách mặc cả lãi suất.

Dư luận vẫn đang lo ngại, không biết nếu chỉ dùng biện pháp bán ngoại tệ liệu có giữ ổn định được tỷ giá không? Vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đang thấp. Có ý kiến nói tuyên bố dứt khoát của ông Lê Đức Thuý rằng sẽ không có chuyện NHNN điều chỉnh tỷ giá, cũng như không nới lỏng biên độ tỷ giá giữa đôla Mỹ và đồng Việt Nam, ít nhất là từ nay tới tết Nguyên đán đã đặt NHNN vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Lật lại vấn đề, có người cho rằng NHNN có lẽ đã tính chưa chuẩn thời điểm điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng (từ ngày 18.8.2010). Lẽ ra nên cố giữ tỷ giá đến gần cuối năm, theo thông lệ là thời điểm luôn căng thẳng cung – cầu ngoại tệ, để điều chỉnh thì sẽ phù hợp hơn. Giờ thì dư địa đã hết mà bài toán tỷ giá thì mới có lời giải tình thế (kìm hãm tạm thời).

Tiền loanh quanh trong hệ thống ngân hàng

Những ngày cuối tuần qua thị trường cảm thấy sốc khi chứng kiến lãi suất của thị trường liên ngân hàng có những thời điểm như lên "cơn điên". Người ta không biết chuyện gì đã xảy ra trong thanh khoản của hệ thống. Có người nói đây là diễn biến bình thường vì theo quy luật về cuối năm ngân hàng nào cũng căng thẳng về nguồn do nhu cầu vay, nhu cầu giữ tiền trong hệ thống để đảm bảo thanh khoản tăng… Vì vậy, không nên nghiêm trọng hoá vấn đề.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là có hiện tượng đầu cơ vốn trên thị trường liên ngân hàng. Một số lãnh đạo NHTM cổ phần nhỏ cho biết các ngân hàng quy mô lớn (trong đó có NHTM nhà nước) nhiều lợi thế trong huy động vốn, đặc biệt từ thị trường mở. Do nắm giữ nhiều giấy tờ có giá nên các ngân hàng này vay được nhiều từ NHNN với mức lãi suất 7 – 9%. Nhờ vậy họ có trong tay nguồn vốn vừa lớn, vừa rẻ. Chính vì vậy đây luôn là những người quyết định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Đầu giờ sáng những ngân hàng nhỏ thường gọi điện cho ngân hàng lớn hỏi: "Hôm nay anh "cho" em bao nhiêu?". Những thời điểm thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng thì các ngân hàng lớn tha hồ hét giá. Lợi nhuận từ liên ngân hàng mấy năm gần đây thường lớn hơn cho vay ra nền kinh tế. Như mọi người thấy, chênh lệch lãi suất giữa cho vay các tổ chức tín dụng với cho vay kinh tế trong tuần qua lên đến mức trên dưới 10%. Bên cạnh đó cho vay liên ngân hàng còn có nhiều cái lợi như: chi phí rất thấp, ít rủi ro. Vì vậy, vào dịp cuối năm, một số ngân hàng thường hạn chế cho vay doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng mà để dành vốn cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Từ năm 2008 đến giờ, nhiều người biết hiện tượng đầu cơ vốn trên thị trường liên ngân hàng và những hệ luỵ của nó đến thanh khoản hệ thống nhưng không hiểu sao tình trạng vẫn chưa thể xử lý được.

TRÍ DŨNG