THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 November 2010

Nhếch nhác đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Thứ Ba, 30.11.2010 | 10:43 (GMT + 7)

(LĐO) - Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương thông xe ngày 3.2.2010. Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy 10 tháng đưa vào sử dụng, mặt đường bắt đầu hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ gà, xe cộ lưu thông không an toàn. Nhiều tài xế đã từ bỏ đường cao tốc để trở lại QL1A.

Tai nạn tình rập

Sáng 29.11, chiếc xe khách 16 chỗ biển số 84L-2170 đã bị lật ngang, lộn nhiều vòng tại Km 26 trên đường cao tốc TP-HCM, thuộc địa phận huyện Thủ Thừa – Long An. Cả 16 hành khách trên xe đều bị thương, trong đó 9 người bị thương nặng. Công an Long An đang điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn. Đây không phải là trường hợp hiếm hoi bị tai nạn trên đường cao tốc này, trong đó không ít vụ là do đường đầy ổ gà. Tài xế xe dịch vụ Châu Văn Trường (khu phố Thanh Xuân, phường 5, TP.Tân An) kể: tối 23.11 anh có chuyến rước khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về TP.Tân An. Qua khỏi cầu Bến Lức, xe đang lao nhanh với tốc độ gần 100km/h, bất ngờ chiếc xe nhảy dựng khỏi mặt đường, suýt va vào "con lươn". Nhờ có kinh nghiệm, tài xế Trường đã kìm giữ được tay lái. Anh cho biết, nếu anh chạy nhanh hơn một chút, cỡ 120km/h, hoặc nếu thiếu kinh nghiệm lái xe, có thể tai nạn thảm khốc đã xảy ra. Nguyên nhân sự cố: có 1 ổ gà sắp thành "ổ voi" trên đường.

Ổ gà trên đường cao tốc.
Ổ gà trên đường cao tốc.

Cánh tài xế ở Long An không lạ gì chuyện "đường cao tốc đầy ổ gà", nhiều người sợ nguy hiểm đã quay trở lại đi trên QL1A. Do đi lại nhiều trên con đường này nên anh Trường đã thuộc lòng những chỗ có ổ gà nguy hiểm, nên chủ quan. Anh không ngờ, chỉ sau 10 ngày không đi trên đường cao tốc, có 1 ổ gà lớn mới xuất hiện, gặp xe chạy ngược chiều pha đèn lóa mắt nên không quan sát được mặt đường, vì vậy mà suýt gây ra tai nạn. Cũng theo tài xế Trường, lúc đường cao tốc mới thông xe, nhiều tài xế cao hứng đã chạy với tốc độ 140 – 150km/h, nay thì có thưởng cũng không tài xế nào dám chạy quá 120km/h, vì con đường đã đầy ổ gà rất nguy hiểm. "Thoát chết" lần này, tài xế Trường tính sẽ quay lại đi trên QL1A.

Chiếc xe bị nạn trên đường cao tốc.
Chiếc xe bị nạn trên đường cao tốc.

Đường cao tốc như chiếc áo vá

Không hình dung nổi chuyện "đường cao tốc đầy ổ gà", ngày 24.11 tôi đã thuê xe taxi đi trên đường cao tốc từ nút giao TP.Tân An đến nút giao Bến Lức (khoảng 15km) và trở về. Thật không ngờ, con đường từng hiện đại nhất nước giờ chi chít những ổ gà, nhất là đoạn từ km 26 đến km 33. Cả 2 lượt đi và về, tôi đếm tổng cộng có khoảng 50 ổ gà, nhỏ thì bằng cái tô, lớn bằng cái thúng, là loại ổ gà có thể gây tai nạn nếu xe chạy nhanh. Tại km 33 hướng từ Tân An đi Bến Lức có 4 – 5 ổ gà khá lớn, xe chạy qua đây phải giảm tốc độ. Đến km 26 – km 28 số lượng ổ gà xuất hiện càng dày hơn, có nơi 1 chùm 3 – 4 ổ gà.

Đường cao tốc bị dặm vá nhiều chỗ.
Đường cao tốc bị dặm vá nhiều chỗ.

Lượt  từ Bến Lức về Tân An, mặt đường càng tệ hại hơn với rất nhiều ổ gà, nhất là đoạn từ km 27 – km 29. Tại km 27 đơn vị thi công sửa chữa đường đang bóc toàn bộ lớp mặt đường hư hỏng dài cả trăm mét để cán lớp bê tông nhựa nóng mới, chỉ chừa 1 làn xe cho lưu thông. Bây giờ tôi mới để ý, trên mặt đường đã có rất nhiều chỗ dặm vá trước đó. Có lẽ do công nghệ dặm vá của ta chưa hiện đại, nên mặt đường không liền lạc, xe chạy qua chỗ dặm vá thường bị xốc. Từng mảng mặt đường được dặm vá có màu khác hẳn với mặt đường cũ, vì vậy mà trông đường cao tốc giống như chiếc áo vá.

Rác tràn ngập trên đường cao tốc.
Rác tràn ngập trên đường cao tốc.

Không những thế, trên đường cao tốc hiện nay có nhiều đoạn rác đầy 2 bên đường, do hành khách thiếu ý thức, vứt bừa các loại bao bì đựng thức ăn sau khi sử dụng. Hàng rào bảo vệ đường cũng bị người dân tháo dỡ nhiều chỗ. Do chưa có trạm dừng chân, nhiều xe khách dừng lại dọc đường cho khách đi vệ sinh, vừa nguy hiểm vừa nhếch nhác…Chẳng lẽ chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, con đường từng là niềm tự hào của ngành giao thông vận tải và người dân đồng bằng sông Cửu Long lại xuống cấp, nhếch nhác đến vậy!

Kỳ Quan

Treo đời dân trong nhiều dự án

Thứ Ba, 30.11.2010 | 15:52 (GMT + 7)

(LĐ) - Trong những năm gần đây, Cà Mau đã có hàng loạt dự án khu công nghiệp (KCN), khu dân cư (KDC) được phê duyệt tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều lý do việc bồi hoàn, tái định cư mở rộng theo đúng quy mô đã duyệt chưa thực hiện được.

Chính điều này đã đẩy hàng ngàn người dân dở khóc, dở cười tại nơi có dự án...

Người dân sống trong điều kiện không đường, không điện đã 8 năm nay. Ảnh: N.H
Người dân sống trong điều kiện không đường, không điện đã 8 năm nay. Ảnh: N.H

Khổ vì dự án KCN

KCN Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh theo quy hoạch được duyệt có tổng diện tích 360ha nằm trong tổng thể Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau đã được phê duyệt từ năm 2004. Cũng từ năm này, Cà Mau bắt tay vào xây dựng KCN, nhưng cho đến nay nhiều hạng mục của KCN này vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí có đến trên 1.000 người sống trong vùng quy hoạch lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết bị giải tỏa hay không.

Đó là toàn bộ xóm Rạch Gián, Cựa Gà thuộc xã Khánh An. Toàn xóm có 91 hộ được thông báo toàn bộ diện tích đất, nhà ở của họ nằm trong KCN Khánh An giai đoạn 2. Vì vậy, người dân không được trồng cây lâu năm, sửa chữa nhà ở, xây dựng kiến trúc trên đất... Xác định đây là khu vực trước sau gì cũng giải tỏa nên toàn bộ 91 hộ dân nơi đây hoàn toàn không thụ hưởng bất cứ điều kiện tối thiếu nào của đời sống văn minh đô thị. Nhà họ cách Nhà máy Điện Cà Mau chưa đến 500 m theo đường chim bay nhưng hoàn toàn không có điện thắp sáng. Đường sá, trường học, trạm xá... chẳng màng đầu tư, sửa chữa . Ông Nguyễn Thành Tích, Trưởng ấp 6, xã Khánh An cho biết: "Trước đây khu vực xóm Rạch Gián, Cựa Gà người dân trồng mỗi năm 2 vụ lúa, nuôi cá, trồng hoa màu. Dù không giàu nhưng không đến nỗi phải thiếu đói. Bây giờ bị "hù" giải tỏa hoài làm cho người dân chẳng an tâm sản xuất. Mà muốn sản xuất cũng khó vì ba bên bốn phía bị KCN bao dí hết rồi lấy đâu ra nước mà sản xuất".

Ông Trần Văn Luôn có 3ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây mỗi năm thu về 1.000 giạ lúa. Từ khi có KCN đến nay ông thu chỉ trên 150 giạ. Ông than vãn: "Mong giải tỏa cho rồi để biết đường mà kiếm đất khác sinh sống chớ sản xuất trên đất của mình mà bị cấm đoán đủ điều...". Cũng cùng cảnh ngộ với người dân ở trong các KCN "treo", người dân tại Dự án khu đô thị Hoàng Tâm (ấp Bào Sơn, xã Lý Văn Lăm) cũng khổ sở vì dự án "hăm" mở rộng.

Cởi trói một tay

Quá bức xúc về cuộc sống bị xáo trộn và chẳng biết tương lai đi đến đâu, hàng chục hộ dân khiếu nại đến các cơ quan tỉnh Cà Mau. Ngày 6.4 UBND tỉnh Cà Mau ra Thông báo số 1221/UBND-XD hứa hẹn sẽ tái định cư, di dời giải tỏa, trước mắt cho ứng trước tiền đền bù giải tỏa để người dân bớt khó khăn. Đinh ninh nhà mình sẽ bị giải tỏa, đất bị thu hồi nên dân đành quay về chờ, nhà cửa xiêu vẹo, đất đai bỏ phế. Tuy nhiên, hai tháng sau, lại có Thông báo số 516/TB-VP của UBND tỉnh Cà Mau với nội dung "Các hộ dân trong khu vực dự án khi chưa giải tỏa di dời được sửa chữa nhà ở, chuyển, nhập khẩu khi lập gia đình cho con, cải tạo đất sản xuất, nuôi trồng những cây con ngắn ngày; tuy nhiên phải thông quan Ban nhân dân ấp, UBND xã Khánh An và chủ đầu tư xác nhận".

Ông Trần Văn Luôn nói như mếu: "Giải quyết vậy cũng như không. Chúng tôi sẵn sàng giao đất cho nhà nước làm KCN, nhưng sản xuất trong điều kiện KCN bao vây như vầy làm sao đủ sống cho được. Đúng là nhà nước mới cỡi trói 1 tay cho chúng tôi thôi".

Lý giải điều này, theo BQL các khu công nghiệp tỉnh Cà Mau, KCN Khánh An được Chính phủ phê duyệt chia ra nhiều giai đoạn nên không thể bóp nhỏ lại được. Hiện nay chưa hoàn thành do đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư và đang hoàn thành các khâu hạ tầng khác để nhằm thu hút các nhà đầu tư vào đây. Để lấp đầy các KCN tại Cà Mau theo quy hoạch là điều không dễ. Theo BQL các khu công nghiệp tỉnh Cà Mau, 9 tháng đầu năm 2010, Cà Mau chưa thu hút được DN đầu tư nào đáng kể vào các KCN trên địa bàn tỉnh.

Người dân xóm Rạch Gián, Cựa Gà muốn ra ngoài phải khoét hàng rào khu công nghiệp Khí Điện Đạm.
Người dân xóm Rạch Gián, Cựa Gà muốn ra ngoài phải khoét hàng rào khu công nghiệp Khí Điện Đạm.

Sẽ sắp xếp lại

Nghị quyết Đại hội Đảng Cà Mau xác định Cà Mau tiếp tục thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Để thực hiện điều này, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành đề án quy hoạch và quy hoạch lại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong bối cảnh các KCN gần như chưa được sự mặn mà của các nhà đầu tư, Cà Mau đã và đang xem xét lại chuyển đổi chủ đầu tư một số KCN trên địa bàn. Hiện tại KCN Năm Căn đã chuyển chủ đầu tư cho tập đoàn Vinashin làm KCN đóng tàu với quy mô lớn; một phần KCN Khánh An giao cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam; xem xét lại tính hợp lý, hiệu quả của một số KCN tại các huyện, thành phố.

Đối với người dân sống treo trong các KCN, KDC nhiều năm nay, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Mong người dân hết sức thông cảm, bởi quy hoạch có tính đến lâu dài trong khi điều kiện lấp đầy các KCN là khách quan". Ông Hải cũng cho biết về nguyên tắc, khi tiến hành triển khai các dự án tiếp theo, quyết định bồi thường, giải tỏa, tái định cư thời điểm nào sẽ áp dụng các chính sách thời điểm đó trên cơ sở không thiệt thòi đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Nhật Hồ

“Xóa” chung cư cũ còn lắm gian nan

Thứ Ba, 30.11.2010 | 12:00 (GMT + 7)

(LĐO) - Bên cạnh việc thiếu quỹ nhà tái định cư, cộng với tâm lý người dân muốn tái định cư tại chỗ mà không chịu đến các nơi ở mới xa trung tâm, vì thế mà việc cải tạo, xây dựng chung cư, tập thể cũ lại càng thêm "vướng".

Trong khi đó các doanh nghiệp lại chỉ quan tâm thực hiện cải tạo nhà chung cư cũ nằm ở các vị trí có khả năng sinh lợi cao…

Nhiều chung cư cũ đang chờ được cải tạo. Ảnh: Internet
Nhiều chung cư cũ đang chờ được cải tạo. Ảnh: Internet

Thiếu quỹ nhà tái định cư

Theo dự thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ mà Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ, đối với dự án tái định cư (TĐC) tại chỗ, mỗi căn hộ cũ được bồi thường căn hộ mới với diện tích tối đa gấp 1,5 lần. Trường hợp phải bồi thường bằng căn hộ tại địa điểm mới nằm trong cùng một quận, căn hộ mới có diện tích tối đa bằng 2 lần căn cũ. Nếu căn hộ mới nằm khác quận, diện tích tối đa bằng 2,5 lần. Diện tích căn hộ mới không nhỏ hơn 30 m2. Phần chênh lệch diện tích giữa căn hộ cũ và căn hộ mới (nếu có) được thanh toán bằng tiền theo suất đầu tư xây dựng mới của dự án. Đối với căn hộ tầng 1, khi chuyển lên tầng cao hơn, ngoài hệ số diện tích, chủ sở hữu còn được bồi thường bổ sung theo hệ số bằng 1,1 lần diện tích đã bị thu hồi.

Trường hợp nhà ở thấp tầng, nhà phố mà phải di dời thì được bồi thường bằng căn hộ chung cư tại địa điểm cũ nếu dự án có quỹ nhà ở để bố trí TĐC hoặc bằng căn hộ chung cư tại địa điểm mới nếu dự án không có quỹ nhà ở để bố trí TĐC tại địa điểm cũ (sau khi xây dựng lại). Đơn giá bồi thường quyền sử dụng đất, nhà ở cũ và giá mua nhà TĐC được thực hiện theo nguyên tắc sát giá thị trường.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án khuyến khích người dân TĐC tại địa điểm mới. Đây là một cách làm hay bởi doanh nghiệp sẽ có điều kiện để khai thác địa điểm cũ một cách có hiệu quả, thậm chí có thể thay đổi chức năng công trình (từ nhà ở sang văn phòng, khách sạn...) cho phù hợp hơn với tiêu chí kiến trúc - quy hoạch, đặc biệt là với các vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, khó khăn cơ bản vẫn chưa có cách để giải quyết tận gốc đó là tình trạng thiếu trầm trọng quỹ nhà TĐC.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện đang thiếu hơn 2.500 căn hộ TĐC để thực hiện GPMB. Nhiều dự án nhà ở TĐC, dù chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội, vẫn phải đưa dân vào ở do yêu cầu phải bố trí gấp phục vụ GPMB cho các dự án trọng điểm. Thế nên, để tạo lập một quỹ nhà TĐC phục vụ cho các dự án cải tạo chung cư cũ không phải là việc đơn giản, ngày một ngày hai. Trong khi đó, tâm lý chung của người dân là muốn TĐC tại chỗ, gần trung tâm hơn là rời đến nơi ở mới xa hơn lại thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ đời sống. Vì vậy, cũng rất khó để thuyết phục người dân đến nơi ở mới thay vì TĐC tại chỗ.

3 bên cùng phải có trách nhiệm

Bên cạnh việc thiếu quỹ nhà TĐC, tâm lý người dân muốn TĐC tại chỗ mà không chịu đến các nơi ở mới xa trung tâm, vì thế việc cải tạo xây dựng chung cư, tập thể gặp khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm thực hiện cải tạo riêng lẻ từng khối nhà chung cư cũ nằm ở các vị trí có khả năng sinh lợi cao mà chưa triển khai cải tạo theo mô hình dự án tổng thể, đồng bộ.

Theo Bộ Xây dựng, đã có một số dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được khởi công. Đó là dự án khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ (Hà Nội); cụm chung cư Nguyễn Kim, Lý Thường Kiệt (TP. HCM)… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, tình hình triển khai và kết quả còn hạn chế, vì vậy rất khó đạt được mục tiêu "đến năm 2015 hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp hoặc đã hết niên hạn sử dụng tại các đô thị trên cả nước".

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản  cho rằng, lâu nay vướng mắc lớn nhất trong việc cải tạo, xây mới chung cư cũ là thiếu tiền. Người dân không bỏ tiền ra, nhà nước không có tiền để chi cho việc này, doanh nghiệp thì không nhìn thấy lãi thì không đầu tư  tiền để làm?

Theo ông Hà, muốn xây mới được chung cư cũ, tất cả các chủ thể: người dân, nhà nước, doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm. Nhà nước tham gia bằng chính sách hoặc có thể bằng tiền. Người dân tham gia bằng cách góp ý vào phương án xây mới nhà chung cư và nếu dự án đó không có lợi nhuận, họ phải đóng góp tiền để cải tạo, xây mới nhà ở của mình. Còn doanh nghiệp cũng thu lãi ở mức vừa phải để chia sẻ với người dân.

Ông Hà nhấn mạnh với những dự án xây mới chung cư mà không cân đối được tài chính (thu không đủ chi) do vị trí chung cư không đẹp, bị hạn chế chiều cao, mật độ dân cư đã quá đông… thì người dân phải đóng góp một phần tài chính vào việc xây lại chung cư.

Lê Thảo

Cứu trợ lũ lụt bằng bột giặt quá “đát”?


Thứ Ba, 30.11.2010 | 09:36 (GMT + 7)

Những ngày qua, người dân ở Quảng Bình và Hà Tĩnh rất bất bình với việc Công ty TNHH Vico (có trụ sở ở Hải Phòng) đã đưa bột giặt được sản xuất từ năm... 2007 cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt.
Theo tìm hiểu, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đức Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) được phân bổ 424 gói bột giặt hiệu Vì Dân loại 400g và được đựng trong tám bao lớn. Ông Nguyễn Xuân Triển - giám đốc trung tâm - cho biết sau khi phát bột giặt cho các học sinh ngoại trú, các em đã phát hiện có những miếng dán "lạ" ngoài vỏ bao. Các em bóc ra và nói cho cô giáo biết.
Dán đè tránh lãng phí?
Ông Hoàng Duy Đỉnh - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng - cho biết đơn vị này đã nhận được báo cáo giải trình của Công ty TNHH Vico và sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với Vico để sớm có trả lời chính thức.
Về lý do dán đè nhãn mác, ngày sản xuất trên vỏ bao bì, bà Lã Quỳnh Chi, phó tổng giám đốc Công ty Vico, giải thích: do trước đây không có công nghệ in phun lên bao bì nên công ty đã in sẵn rất nhiều bao bì mà đến nay vẫn chưa sử dụng hết. Để giảm lãng phí, công ty đã sử dụng các bao bì này và có dán tem mới đè lên, và việc dán tem đè lên các thông tin cũ trên vỏ bao là chính xác, đúng quy định.
Đ.BÌNH
Chúng tôi đã bóc thử hai nhãn dán đè ngoài vỏ gói bột giặt và thấy nhãn thứ nhất mang dòng chữ "Bảo quản nơi khô mát" dán đè lên vị trí ghi ngày sản xuất bột giặt được in máy là 15-4-2007. Nhãn thứ hai ghi giá bán là 10.000 đồng, được dán đè lên giá bán 6.500 đồng đã in sẵn trên gói bột giặt Vì Dân.
Nếu căn cứ vào thời hạn sử dụng (kể từ ngày sản xuất, được dán che) được in lên gói bột giặt là 36 tháng thì những gói bột giặt này đã quá hạn sử dụng bảy tháng. Đáng nói, trên các gói bột giặt đều có in thêm ngày sản xuất khác là 16-11-2010 ngay trên thân dọc của gói và giá bán là 10.000 đồng.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, trưởng ban chính sách - pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, cho biết số hàng trên nằm trong số hàng cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt Quảng Bình thông qua Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng.
Theo giải trình từ nhà sản xuất và đại diện giám sát bán hàng của Công ty TNHH Vico tại Quảng Bình (là ông Nguyễn Văn Hiếu) với Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, những gói bột giặt này đều thuộc một lô hàng mới sản xuất. Nhưng công ty đã dùng bao bì cũ từ năm 2007 nhằm tiết kiệm chi phí cho sản phẩm.
Về điều này, ông Võ Văn Tiến, phó ban chính sách - pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, tỏ ra nghi ngại: "Như thế thì không thể có sự dán nhãn đè lên ngày sản xuất và in lại giá bán một cách tinh vi đến vậy".
Tại Hà Tĩnh cũng xảy ra tình trạng bột giặt Vì Dân  của Công ty TNHH Vico có nhiều gói quá hạn sử dụng. Theo nguồn tin của PV, sau khi nghe phản ảnh bột giặt Vì Dân hết hạn sử dụng đã được Công ty TNHH Vico cứu trợ ở Quảng Bình, bà Dương Thị Hằng - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Tĩnh - đã kiểm tra một số gói bất kỳ bằng cách bỏ bột giặt vào nước rồi khuấy lên nhưng không thấy nước sủi bọt.
Kiểm tra tiếp thì thấy ở hai góc sát đáy bao của gói bột giặt này ghi ngày sản xuất là 15-4-2007 (được phun chồng lên bằng một số liệu khác là 16-11-2010), trên gói bột giặt có hướng dẫn sử dụng trong 36 tháng.
Theo TTO

Chủ cửa hàng giải thích việc bán xăng pha nước lã


30/11/2010 17:56:08

"Xăng lẫn nước là do bể chứa xăng bị ngấm nước mưa", đó là lời giải thích của anh Bùi Văn Thủy, chủ cây xăng dầu Hưng Thịnh, sau khi cây xăng này bị bắt quả tang bán xăng pha nước lã tại thị trấn Quốc Oai (Hà Nội), chiều 27/11.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi vụ việc bán xăng pha nước lã được phát hiện, chiều 29/11, theo quan sát của PV, cây xăng trên không còn cảnh mua bán xăng tấp nập như mọi ngày, chỉ có vài nhân viên túc trực tại đây. Một tấm biển đè chữ "hết xăng" được đặt ngay trước cửa hàng.

Chủ cây xăng Hưng Thịnh cho biết, ngay sau khi vụ việc được phát hiện, cây xăng đã dừng bán hàng và kiểm tra bể chứa hàng. Bể số 2 trong số 4 bể chứa của cửa hàng là bể bị cho là ngấm nước dẫn đến việc xăng lẫn nước đã bị niêm phong.

d
Cửa hàng xăng dầu Hưng Thịnh. Ảnh: VNN


Chủ cửa hàng xăng dầu Hưng Thịnh cho biết, toàn bộ diện tích xây dựng cây xăng trước đây là khu vực ao hồ, đất trũng nên rất rễ bị nước ngấm vào bể chứa xăng. 

Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2009, cây xăng chủ yếu sử dụng bể chứa số 1, chưa bao giờ sử dụng đến bể chứa số 2. 

Ngày 22/11/2009, cây xăng Hưng Thịnh nhập lô hàng 4.445 lít xăng của Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình vào chứa ở bể số 2. 

"Trong quá trình nhập hàng, do thiếu sót của nhân viên không kiểm tra kỹ bể chứa nên không phát hiện bể chứa có nước", anh Thủy thừa nhận. 

Đến ngày 27/11, cây xăng bắt đầu bán xăng trong bể chứa số 2 dẫn đến việc khiếu nại của khách hàng. "Chúng tôi xin thành thật xin lỗi khách hàng về sự cố đáng tiếc chiều 27/11", chủ cửa hàng xăng dầu Hưng Thịnh nói.

Người dân bức xúc cho rằng, chuyện bán xăng có lẫn nước lã, dù xuất phát từ nguyên nhân nào đều không thể chấp nhận được. 

Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện đội quản lý thị trường huyện Quốc Oai cho biết, có 11 trường hợp khách hàng khiếu nại về xăng pha nước lã của cửa hàng Hưng Thịnh, với số lượng là 35 lít xăng. Vị này cho hay, hiện nay đang chờ kết luận điều tra của công an huyện Quốc Oai về nguyên nhân vụ việc, sẽ có hình thức xử lý ngay khi có kết quả chính thức.

Ông Trịnh Văn Ngọc, chi cục trưởng chi cục QLTT Hà Nội cho biết, dự kiến ngày 9/12 tới đây đoàn kiểm tra liên ngành của chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Sở khoa học công nghệ sẽ tiến hành đợt kiểm tra lớn về gian lận xăng dầu. 

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, khung hình phạt quá thấp hiện nay với các vụ vi phạm không đủ sức răn đe với các chủ cây xăng vi phạm.


(Theo TNO)


Bà Trần Ngọc Sương đối chất với 3 thuộc cấp


30/11/2010 19:32:43

 - Sáng 30/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã tổ chức đối chất giữa bà Trần Ngọc Sương, nguyên GĐ Nông trường Sông Hậu, với 3 nguyên cán bộ Nông trường là PGĐ Trương Hồng Nhung, Kế toán trưởng Đặng Thế Quốc Hưng, thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn. 

TIN LIÊN QUAN

Tham dự có hai điều tra viên và luật sư Nguyễn Trường Thành, Phan Trung Hoài. Nội dung đối chất nhằm làm rõ 3 nội dung: Bà Sương mượn 850 triệu đồng thanh toán một giao dịch của Nông trường; 1,56 tỷ đồng bán cổ phiếu của bà Sương và số tiền hơn 2,2 tỷ đồng cho rằng bà Sương sử dụng đi công tác.

 

Bà Sương trong phiên tòa hồi tháng 8/2009. Ảnh: Đất Việt
Bà Sương trong phiên tòa hồi tháng 8/2009. Ảnh: Đất Việt


Hai nội dung đầu, đối chất đã làm rõ, việc mượn tiền và sau đó được hoàn trả bằng tiền bán cổ phiếu của bà Sương, nhưng do vụ án khởi tố nên chưa quyết toán trên sổ sách. 

Nội dung thứ ba, hơn 2,2 tỷ đồng quy cho bà Sương sử dụng đi công tác mà nhiều khoản trong sổ sách ghi không rõ ràng thì chưa có sự thống nhất. Bà Sương cho rằng, nhiều cán bộ đi công tác mà ghi hết cho bà là không đúng, ba người đối chất giải thích dù ghi không rõ ràng nhưng hầu hết chi cho bà Sương. 

Để làm rõ, bà Sương đề nghị giám định tài chính phần "lập quỹ trái phép" bởi từ khi khởi tố vụ án đến nay chưa được giám định.

Sáu Nghệ


Đào “hố tử thần” phát hiện hàm ếch kéo dài


30/11/2010 20:06:45

 - Lúc 14h chiều nay (30/11), trong lúc dừng xe trên đường Kha Vạn Cân ( đoạn trước UBND phường Linh Tây, Thủ Đức TP.HCM) vì ùn tắc phía trước do tai nạn giao thông, bất ngờ bánh trước 1 chiếc xe tải sụp xuống đường, tài xế nhanh chóng cho lùi xe nên không bị lọt xuống hố. 

TIN LIÊN QUAN

Ngay lập tức lực lượng dân quân phường Linh Tây có mặt hướng dẫn phương tiện lưu thông tránh hố sâu này. Tại hiện trường, bề ngang hố rộng gần 2m, sâu hơn nửa mét.

Ngay khi nhận được tin báo, công ty thoát nước đô thị TP.HCM điều động hơn 20 công nhân đến hiện trường xử lý sự cố.

 

"Hố tử thần" xuất hiện trên đường Kha Vạn Cân trưa 30/11.


Sau đó các đơn vị  liên quan gồm đại diện khu quản lý GTĐT số 2, thanh tra giao thông cũng có mặt phối hợp điều tra nguyên nhân cũng như triển khai công tác khắc phục.

Sau khi đào sâu khoảng 2m, thì phát hiện bên dưới hàm ếch lan rộng đến các nắp hố ga bên cạnh gần 4m.

Đến 18h, việc khắc phục sự cố vẫn chưa thực hiện xong.

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân cũng như xác định đơn vị chịu trách nhiệm "hố tử thần" này.

Vũ Sơn


Ban Bí thư Trung ương Đảng: Tham nhũng ngày càng tinh vi


30/11/2010 21:25:27

Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng cho rằng hiện tượng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội" chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ, tình trạng tham nhũng thông qua "lợi ích nhóm" chưa được xử lý đúng mức.

TIN LIÊN QUAN

Đây là nhận định của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng vào ngày 30/11.

Khẳng định "chống tham nhũng là khả thi" nhưng Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng công tác phòng, chống thời gian qua vẫn "chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản", tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều hạn chế và yếu kém chậm được khắc phục.

 

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Ảnh: TTXVN
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Ảnh: TTXVN

 

Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng còn hạn chế. Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp xử lý chậm, kéo dài, có biểu hiện hữu khuynh, nể nang, lạm dụng việc bồi thường, khắc phục hậu quả để xử lý hành chính.

Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối tượng là những người có chức vụ, quyền hạn, một số người có nhiều công lao, thành tích và cống hiến, nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.

"Liên quan đến tội phạm tham nhũng là đảng viên cần có áp dụng biện pháp đặc biệt để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, tránh trường hợp để lâu thì tội phạm này đã kịp che chắn hành vi của mình", Chánh án Trương Hòa Bình Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình kiến nghị.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng phải chọn đúng việc trọng tâm, then chốt ngay trong năm 2011 để tạo kết quả chuyển biến rõ nét. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng nhấn mạnh việc "mạnh dạn đưa ra những giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ, cứng rắn hơn" trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới. Đặc biệt xác định "chế tài để xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu, người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả các chủ trương, chính sách và giải pháp phòng chống tham nhũng, nói đi đôi với làm, hành động mang tính quyết định".

(Theo Chính phủ, VNN)


Học sinh lớp 9 bị đánh hội đồng trong giờ thể dục


30/11/2010 17:24:24

 - Khoảng 14h ngày 30/11, đang trong giờ học môn thể dục tại sân vận động Tân Hiệp (thuộc địa bàn ấp Rẫy, thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang), em Huỳnh Hồng Ngọc học sinh lớp 9 trường THCS Tân Hiệp bị nhóm người lạ mặt nắm tay kéo ra ngoài và cùng nhau vây đánh hội đồng.

Nét mặt vẫn còn hoảng loạn em Huỳnh Hồng Ngọc kể: Em đang xếp hàng cùng nhóm bạn trong giờ học thể dục thì có nhiều người đi từ ngoài vào túm lấy tay em và lôi ra ngoài (cách đó khoảng chừng vài mét) để cả nhóm người gồm 3 trai, 3 gái ở độ tuổi từ (19 đến 21) lao vào đánh tới tấp vào đầu, vào mặt. Đánh xong cả nhóm người leo lên xe phóng đi.

Cũng theo em Ngọc, nhóm người đánh em có mang theo cả mã tấu. Ngọc biết được tên của 3 thanh niên này gồm: Trường, Tài và Tuấn cùng ở tại xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang).
 

Em Huỳnh Hồng Ngọc đang tường trình lại vụ việc với cơ quan công an thị  trấn Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang)
Em Huỳnh Hồng Ngọc đang tường trình lại vụ việc với cơ quan công an thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang)

 

Chứng kiến vụ việc, bà Châu Thị Thới ở 40/4 ấp Rẫy, thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) nhớ lại: bà đang ngồi chặt củi trước cửa nhà thì có 3 xe mô tô chở 9 người đến hỏi bà nơi nào đổ xăng, bà chỉ kế bên quán Thanh Tuyền nhưng nhóm người này không biết. Sau đó cả nhóm kéo đi chừng ít phút sau quay lại dựng xe phía ngoài đường, 2 thanh niên đi vào trong nhóm học sinh đang xếp hàng học thể dục túm lấy tay một cô gái lôi ra ngoài để cả nhóm đánh hội đồng. Đánh xong cả nhóm leo lên xe bỏ đi, trước khi đi một người ngồi trên xe nói vọng lại "mày xuống dưới là tao đánh chết mày luôn". 

Cũng theo bà Châu cho biết: nhóm người này có một một thanh niên hớt tóc cao, trên đầu nhuộm màu vàng từ phía trước ở giữa đầu kéo ra phía sau như bờm ngựa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Ngọc Sương, Hiệu trưởng trường THCS Tân Hiệp xác nhận vụ việc trên là có thật. Theo ông Sương, cả nhóm kéo đến rất đông, các đối tượng còn khống chế luôn cả thầy giáo dạy thể dục. Ngoài ra có nhiều người dân địa phương có mặt nhưng không ai dám vào can ngăn vì nhóm người này quá hung hăng.

Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV đã đến công an xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang) để tìm hiểu thêm. Anh Lê Thanh Phong, công an viên trả lời không nắm và không biết được các đối tượng. Hiện lãnh đạo đã đi họp và đi công tác không còn ai để tiếp.

Châu Thành


Cảnh đời đắng của thiếu nữ sa chân vào 'tổ quỷ'


Thứ ba, 30/11/2010, 17:07 GMT+7

"Một ngày tôi phải tiếp 15 khách, đến nỗi người không ra người, chảy máu, đau đớn cùng cực. Có khách còn dùng roi điện đánh đến ngất xỉu, rồi cướp hết tiền", cô bé 17 tuổi tâm sự về những ngày lỡ chân rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người.
Đoạn trường đẫm nước mắt của những cô gái bị bán

Sinh ra trong một gia đình H'mông nghèo khó ở tỉnh Tuyên Quang, tuổi thơ của Như cũng đầy ắp nước mắt. Bố không lo làm ăn, suốt ngày chỉ rượu chè, cờ bạc, đánh đập mẹ. Không chịu được mãi cảnh sống như thế, mẹ cô đã bỏ nhà ra đi khi cô bé chỉ học lớp một còn em trai thì học mẫu giáo.

Không lâu sau thì cả bố và mẹ đều đi bước nữa, người Nam, kẻ Bắc. Như muốn theo mẹ cũng không được vì dượng thường đánh mẹ, lại có ý đồ xấu, nhắn tin sàm sỡ với cô bé. Thế nhưng ở với cha cũng không xong, cô và em trai thường xuyên bị dì, thậm chí cha đánh.

Bế tắc trước cuộc sống ấy, cô bé đã bỏ nhà xuống Hà Nội tìm việc. Ở đây, cô quen và yêu một người bạn trai qua mạng. Những tưởng cuối cùng hạnh phúc cũng sẽ mỉm cười với cô. Nhưng chỉ sau 3 tháng về sống với nhau như vợ chồng, cả hai đã chia tay. Người con trai ấy đã đưa cô về trả cho bố và dì, mặc cho cô van xin được sống cùng gia đình anh, dù không được anh yêu.

àdf
Đến với Ngôi nhà bình yên, các chị em được tư vấn học nghề. Ảnh: P.N.

"Tôi đã uống thuốc ngủ nhưng rốt cuộc vẫn phải sống. Tôi như điên dại, ngông cuồng, không sợ điều gì hết bởi trên đời này chẳng còn còn gì ý nghĩa nữa. Một lần nữa tôi lại chọn cách bỏ nhà đi", Như tâm sự.

Và số phận đã đưa đẩy cô gặp một người đàn ông tên Minh, đóng vai một người "cứu net". Người này muốn thuê cô lên Lào Cai bán hàng quần áo giúp em gái. Cứ tưởng thật, cô đi theo không ngờ bị vào nhà chứa ở tận Trung Quốc. Mỗi ngày cô phải tiếp đến 15 người khách, đủ mọi hạng người. Bị chảy máu, người đau ê ẩm, bị sốt mà vẫn không được tha. Có lần gặp phải người khách hung dữ, cô còn bị đánh bằng roi điện, máu me be bết rồi bị lấy hết tiền.

"Cơm ở đó họ nấu nhão như cháo, ăn rất đói. Thịt lợn để hàng tháng cứng như đá, bỏ vào nấu chung với các loại rau và đồ ăn hỗn độn, thập cẩm. Ai có ý định trốn thì bị đánh đập dã man. Có lần, tôi chứng kiến một chị bỏ trốn về Việt Nam bị đánh và chém chết bằng một con dào dài một mét", Như kể lại.

Sau đó, cô gái trẻ mắc phải căn bệnh khó chữa. Nhân cơ hội đó, cô xin bà chủ chứa cho về Việt Nam chữa bệnh, nói dối là có vài người bạn muốn sang làm gái. Cũng nhờ thế cô thoát khỏi địa ngục, rồi được đưa đến Ngôi nhà bình yên ở Hà Nội tạm lánh.

"Tôi từng cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, bóng tối vây quanh và nỗi sợ hãi luôn ám ảnh. Có những khi chạy mãi mà không tìm thấy lối thoát, chỉ thấy con đường mịt mù và xa tít tắp trước mắt. Đó là quãng thời gian tôi sống như địa ngục ở nơi đất khách quê người", Như tâm sự.

Cũng giống như cô bé Như, nhiều nạn nhân của bọn buôn người trở về gặp phải nhiều khó khăn về tâm lý. Nhiều người đêm ngủ thi thoảng vẫn giật mình tỉnh giấc vì mơ thấy mình bị tra tấn dã man, bị đuổi đánh. Có người có những biểu hiện không bình thường, nói những điều không có thật, tự tưởng tượng ra một người để gọi điện thoại..., bà Lê Thị Thủy, đồng Giám đốc dự án Ngôi nhà bình yên (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) chia sẻ tại buổi tổng kết dự án, diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.

Trong năm 2010, dự án đã hỗ trợ cho gần 100 chị em từ 32 tỉnh, thành bị buôn bán. Phần lớn họ do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình hoặc nhẹ dạ cả tin, không biết tự bảo vệ mình nên bị kẻ xấu lừa gạt, sa chân vào cạm bẫy của kẻ buôn bán người.

"Các nạn nhân trở về hầu hết đều có biểu hiện tâm lý phức tạp, thất thường, trầm cảm, bị ám ảnh bởi quá khứ, cảm giác tội lỗi và có cái nhìn bi quan về tương lai. Các em thiếu tự tin, mất hy vọng và cảm thấy cô độc, dễ nổi nóng, coi rẻ giá trị bản thân", bà Thủy nói.

Không những thế, một số em lại có trạng thái tâm lý không ổn định, sống khép kín, có trường hợp bất cần đời, không thích tuân thủ những chuẩn mực chung trong cuộc sống, trong mối quan hệ với người xung quanh. Bản thân các nạn nhân có thời gian sống trong các nhà chứa, quen với các trận đòn roi, dọa dẫm của chủ chứa nên các em có biểu hiện lạnh lùng, vô cảm hoặc thái độ lỳ lợm, thiếu sự hợp tác khi trở về.

Chính vì thế, việc tư tấn tâm lý để giúp các nạn nhân trở lại trạng thái ổn định là một thách thức rất lớn.

"Các chị em cũng được hỗ trợ nơi ăn ở, bảo vệ an toàn, chăm sóc y tế, hỗ trợ về pháp lý. Đồng thời, cũng được tư vấn học nghề, học văn hóa để giúp chị em tái hòa nhập cộng đồng", bà Thủy chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng nhân dịp này một triển lãm mang tên Chốn bình yên sẽ diễn ra tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Thụy Khuê, Hà Nội). Thông qua đó, những người làm dự án mong muốn đem đến cho người xem cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam. Đó là những câu chuyện chân thực, xót xa của các nạn nhân về những nỗi đau mà họ đã trải qua, khát vọng được trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời triển lãm mong muốn gửi thông điệp về sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng với các nạn nhân.

Nam Phương


TP HCM thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường


Thứ ba, 30/11/2010, 08:37 GMT+7


Chiều 29/11, UBND TP HCM đã thống nhất chủ trương tổ chức thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.
Thuê vỉa hè Sài Gòn giá 10.000 đồng mỗi m2 một tháng

UBND TP giao Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng biểu phí, biện pháp tổ chức thu phí đơn giản, hiệu quả.

Người dân sử dụng vỉa hè, lòng đường sẽ phải đóng phí.
Người dân sử dụng vỉa hè, lòng đường sẽ phải đóng phí. Ảnh: An Hội

Thành phố cũng đã ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí.

Theo đó, sẽ có 160 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên được sử dụng tạm một phần làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, 112 tuyến đường sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và khoảng 73 tuyến đường được đậu xe dưới lòng đường có thu phí.

Tháng 10/2008, Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải đã đề xuất mức phí với mức giá cho thuê một phần vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố. Cụ thể, việc kinh doanh buôn bán trên các tuyến đường chính quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận có thể phải trả 50.000 đồng một m2 mỗi tháng.

Người sử dụng vỉa hè để kinh doanh ở các quận 6, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh sẽ phải trả 35.000 đồng/m2. Những quận huyện còn lại tính giá thuê 25.000 đồng. Riêng huyện Cần Giờ người dân chỉ phải đóng 10.000 đồng một m2 mỗi tháng.

Nếu vỉa hè, lòng đường, lề đường được dùng để giữ xe, đậu xe công cộng có thu phí thì mức thu từ 20.000 đến 70.000 đồng một m2 mỗi tháng tùy khu vực.

An H


Sụt lún hành lang cầu trên đại lộ Thăng Long


Thứ ba, 30/11/2010, 18:10 GMT+7

Những khối bê tông đúc sẵn dày chừng 10 cm trên hành lang cầu Sông Tích thuộc đại lộ Thăng Long (huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị sụt lún, trơ ra phần bê tông dưới nền. Đoạn lan can gần đó cũng bị hư hỏng

Địa điểm hành lang cầu bị sụt lún cách tấm biển này khoảng 20 mét.
Cận cảnh những tấm bê tông trên hành lang phải của cầu.
Sau khi có phản ánh, những tấm bê tông này đã được đưa đi, để lai những cục bê tông vãi trên mặt cầu.
Cách đó không xa, một đoạn lan can cầu cũng bị hư hỏng nặng. Xung quanh khu vực cầu vật liệu xây dựng, đất đá được tập kết, và theo một số người dân rất có thể trong quá trình vận chuyển vật liệu này gây ra hiện tượng trên.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo Tổng công ty Vinaconex (đơn vị thi công đại lộ Thăng Long) cho biết, chưa nhận được thông tin về sự cố này. "Tôi sẽ yêu cầu kiểm tra tình hình", ông này nói.

Bá Đô


Giải cứu container khỏi 'hố tử thần'


Thứ ba, 30/11/2010, 08:36 GMT+7
Phần đầu kéo chiếc container bị "hố tử thần" nuốt nằm lọt sâu. "Hố tử thần" rộng khoảng 40 m2 chứa đầy nước và cát, khoét hàm ếch.
Theo tài xế, trước khi xe bị sụp xuống, mặt đường phun nước dữ dội.
Một chiếc xe cứu hộ được điều đến hiện trường tìm phương án giải thoát cho xe container lâm nạn.
Thùng container 20 feet chứa đầy hàng nên xe ngày càng bị lún sâu xuống hố.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP HCM đã có mặt tại hiện trường.
0h ngày 30/11, sau hơn một giờ bị nạn, xe container được giải thoát khỏi hố.
Hố tử thần rộng 40 m2, sau khi nước rút, trong hố đầy cát.
Thanh tra Sở giao thông vận tải cho người rào chắn để tránh tai nạn tiếp tục xảy ra.
Trung úy Phan Huy Sỹ (39 tuổi), tài xế của container kể lại lúc xe anh bị "hố tử thần nuốt".

An Nhơn


'Hố tử thần' 40 m2 nuốt container biển đỏ


Thứ ba, 30/11/2010, 08:36 GMT+7


Tối 29/11, một 'hố tử thần" rộng khoảng 40 m2 bất ngờ mọc lên tại ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn (phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM) đã nuốt trọn xe đầu kéo biển đỏ chở container.

Container chở thùng hàng 20 feet sụp "hố tử thần". Ảnh: An Nhơn.

Tại hiện trường, hố sâu khoảng 1,5 m, rộng 40 m2, khoét hàm ếch, bên dưới ngập đầy nước và cát, nằm giữa ngã tư. Phần 4 bánh trước của xe container đã bị "nuốt" ngập xuống hố.

*Ảnh giải cứu container khỏi "hố tử thần"

Trung úy Phan Huy Sỹ (39 tuổi), tài xế của container cho biết, anh lái xe chạy từ hướng Nơ Trang Long về Nguyễn Oanh. Khoảng 22h30, xe chạy đến giữa ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn, anh thấy dưới mặt đường nước phun lên cao, gây ngập một đoạn dài. "Thấy chỗ nước phun lên, tôi khựng xe lại thì bất ngờ bánh trước bị sụp xuống. Nước bên dưới đường càng chảy lên mạnh. Tôi định lùi xe lại để thoát khỏi hố thì nó càng lún sâu và cho đến khi bánh xe lún hẳn xuống hố", tài xế Sỹ kể lại.

Ngay sau đó, mọi người đã báo cho đơn vị cấp nước khóa van thì nước không còn phun lên. Hơn một giờ sau, một xe cứu hộ được điều động đến hiện trường cẩu xe container bị nạn lên. May mắn xe không bị hư hỏng. "Hố tử thần" được rào chắn lại.

"Hố tử thần" rộng 40 m2. Ảnh: An Nhơn.

Theo người dân tại đây, đầu giờ tối có 3 nhân viên của công ty cấp nước đến chỗ bị sụp tiến hành làm việc. Sau khi nhóm công nhân này rời khỏi hiện trường ống nước phun mạnh, chảy lênh láng gây ngập đường cho đến khi container lâm nạn.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP HCM đã có mặt tiến hành lập biên bản, ghi nhận sự việc. Một cán bộ cho biết, trước khi xác định trách nhiệm cụ thể để xảy ra "hố tử thần" thuộc về đơn vị nào, phía Sở Giao thông sẽ giao cho Công ty TNHH một thành viên giao thông Sài Gòn tiến hành san lấp hố.

An Nhơ
n